Độc đáo bài chòi cổ Bình Định
Nhắc đến bài chòi dân gian (bài chòi cổ) ta thường nghĩ đến hội bài chòi dân gian quen thuộc. Song, ít ai biết được, nghệ thuật bài chòi cổ của Bình Định còn có nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được, đó là ngoài hội bài chòi, còn có nghệ thuật diễn xướng bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp...
Thời hoàng kim của bài chòi dân gian
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, khoảng từ năm 1930 - 1965 nghệ thuật bài chòi cổ Bình Định phát triển rộng khắp từ hình thức trải chiếu dưới đất để trình diễn (bài chòi chiếu) đến trình diễn trên sân khấu (từ đất lên giàn). Lực lượng hiệu bài chòi đa phần là đào, kép hát bội, nên để tạo không khí tưng bừng của hội bài chòi, các hiệu đã tìm tòi, sáng tạo ra loại hình bài chòi kể chuyện, bài chòi lớp, bài chòi độc diễn để phục vụ người chơi và người dự hội, tạo cho hội chơi hấp dẫn, liên tục giữa các ván hô thẻ bài và các hội.
Nghệ nhân Hoàng Việt và NNƯT Minh Liễu biểu diễn trích đoạn bài chòi lớp Cao Quân Bảo phá bảng chiêu phu tại Hội bài chòi dân gian TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Bài chòi kể chuyện là hình thức hô bài chòi kể một câu chuyện bằng thể văn vần do 1, 2 hoặc 3 hiệu thay nhau hô kể các câu chuyện được sáng tác dựa theo các tích truyện dân gian Việt Nam, như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương… hoặc một số lớp trong các vở tuồng hát bội, như: Tiết Nhơn Quý xuất thế (trong truyện Tiết Nhơn Quý chinh Đông), Quan Công phục Huê Dung (trong truyện Tam Quốc Diễn nghĩa)… để biểu diễn khi kết thúc một ván, một hội bài chòi. Còn bài chòi lớp là hình thức các hiệu hóa thân vào nhân vật để thể hiện hiệu quả hơn các vai diễn với hóa trang, phục trang. Nhưng độc đáo nhất là hình thức bài chòi độc diễn - một hiệu có thể đóng nhiều vai diễn, cải biến thái độ theo tính cách nhân vật để diễn xướng phục vụ người dự hội bài chòi sau một ván chơi.
“Thời ấy, ở đất Bình Định có nhiều nghệ nhân sân khấu bài chòi cổ nổi tiếng, như: Đinh Quả, Đinh Thái Sơn, Phan Ngạn, Nguyễn Kiểm, thầy Tám Có, Đỗ Liên, Lê Thị Đào, Hồng Lợi, Nguyễn Thị Xuân, Phạm Thị Hường… cùng nhiều gánh bài chòi, như: Ý Chung của ông Bốn Trang và ông Ba Hượt, Long Vân của ông Tư Miệt, Mỹ An Ban (gánh Hồng Lợi) của bà Lợi - ông Châu, gánh Ông Trạng - Bà Đào, gánh Bầu Nhị… không chỉ lưu diễn trong tỉnh mà lan ra các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha cho biết.
Giữ vốn quý bài chòi cổ Bình Định
Trò chuyện với tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha đếm đi, nhẩm lại trong tỉnh Bình Định hiện còn một vài nghệ nhân, như: Nghệ nhân nhân dân Minh Đức; vợ chồng nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Minh Lưỡng- NNƯT Lệ Hoa, NNƯT Minh Liễu, NNƯT Hoàng Kiều, nghệ nhân Hoàng Việt còn nắm giữ kỹ thuật diễn xướng bài chòi lớp, bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn.
Sẽ có lỗi với cha ông nếu…
“Đến nay, hội bài chòi dân gian ở Bình Định đã được phục dựng và lan tỏa mạnh mẽ đến với công chúng. Song, cần sớm quan tâm bảo tồn loại hình nghệ thuật bài chòi kể, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp mang nét độc đáo riêng của Bình Định, bởi các nghệ nhân giữ vốn quý này đều đã lớn tuổi, nay mai mất đi thì sẽ bị mai một, chúng ta sẽ có lỗi với cha ông…”
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN AN PHA
Không chỉ nắm vững các kỹ thuật diễn xướng bài chòi dân gian, nghệ nhân Hoàng Việt còn chuyển thể một số trích đoạn từ truyện thơ dân gian, tuồng hát bội sang bài chòi lớp như: Lưu Bình - Dương Lễ, Lục Vân Tiên, Triệu Vân phò ấu chúa, Lữ Bố hí Điêu Thuyền (tuồng hát bội Phụng Nghi Đình)…
“Vùng đất Bình Định phát triển song song hai loại hình nghệ thuật hát bội và bài chòi cổ. Nếu như hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu, thì bài chòi cổ phát triển hình thức diễn xướng dân gian, tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật hát bội để tạo nên nghệ thuật bài chòi kể, bài chòi lớp, bài chòi độc diễn mang nét độc đáo riêng có. Tôi đang dự tính chuyển thể bài chòi lớp kể về Nguyễn Huệ tâm sự với Ngọc Hân trước khi lên ngôi hoàng đế để ca ngợi các nhân vật lịch sử của dân tộc”, nghệ nhân Hoàng Việt chia sẻ.
NNƯT Minh Liễu tâm tình: “Từ thuở ấu thơ, tôi và em là NNƯT Minh Lưỡng theo gánh bài chòi Mỹ An Ban - do mẹ tôi là nghệ nhân Hồng Lợi làm bầu đoàn- rong ruổi khắp nơi trong tỉnh biểu diễn. Chúng tôi được mẹ truyền nghề, cho đóng những vai phụ, rồi đến vai chính trong các vở diễn bài chòi khi mới 14 - 15 tuổi. Thời bao cấp khó khăn, nhiều gánh bài chòi tan rã, các nghệ nhân cũng bươn chải đi làm nghề khác, nhưng mẹ tôi vẫn ráng duy trì gánh bài chòi biểu diễn khắp nơi. Có lẽ đến bây giờ, chỉ còn có Đoàn hát bội Nhơn Hưng của gia đình tôi là có đủ nghệ nhân biểu diễn bài chòi kể, bài chòi lớp, bài chòi độc diễn”.
Nhớ lại cơ duyên đến với nghệ thuật bài chòi cổ, NNƯT Lệ Hoa kể: “Từ nhỏ tôi nghe mẹ tôi hô các trích đoạn bài chòi kể chuyện Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương… nên tôi thuộc nằm lòng. Đến năm 12 tuổi, tôi theo nghệ nhân Tư Đào học bài chòi, rồi theo nghệ sĩ Hồng Thu (vợ của NSƯT Hoàng Chinh) học thêm hát bội. Sau tôi kết hôn với NNƯT Minh Lưỡng, về nhà chồng theo gánh bài chòi, hát bội Hồng Lợi của mẹ chồng lưu diễn khắp nơi”.
“Các nghệ nhân bài chòi trong tỉnh bây giờ hầu như chỉ biết trình diễn hội bài chòi theo kiểu “rút thẻ, hô thai”, còn nghệ thuật diễn xướng bài chòi kể, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp thì khó hơn nhiều nên không mấy ai biết diễn. Nếu quan tâm giữ gìn vốn quý của cha ông, tôi nghĩ ta nên sớm tổ chức bảo tồn, truyền dạy cho lớp trẻ”, nghệ nhân Hoàng Việt chia sẻ tâm tư.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN