Di sản Chùa Bà - Nước Mặn với giáo dục địa phương
Giáo dục địa phương là một trong những môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, áp dụng ở cả ba cấp học (Tiểu học, THCS và THPT). Do đặc điểm của môn học nên việc biên soạn tài liệu và tổ chức thực hiện sẽ do các địa phương trực tiếp đảm nhiệm.
Giáo dục địa phương (GDĐP) có nhiệm vụ giúp học sinh tích lũy thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý cũng như cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương mình đang sinh sống. Nằm trong chuỗi lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Bình Định nhưng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn lại không có được cái may mắn “chọn giảng” như hầu hết các lễ hội khác như lễ hội cầu ngư, lễ hội chợ Gò, lễ hội Đống Đa - Tây Sơn…
1. Lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn có vị trí đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Bình Định. Nơi đây từng là cảng thị quan trọng của xứ Đàng Trong; có chùa Bà và lễ hội được tổ chức hằng năm; là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; và hiện còn nhiều di tích, di sản văn hóa khác. Đó là không gian trải nghiệm văn hóa địa phương rất thú vị, hiệu quả, khó có thể bỏ qua.
Nằm trong chuỗi lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Bình Định, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn xứng đáng có mặt trong môn học Giáo dục địa phương. Ảnh: Đ.N.NHUẬN
Bất cứ di sản lịch sử, văn hóa nào được lựa chọn để giáo dục học sinh về quê hương Bình Định đều cần phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra. Mặt khác, di sản ấy phải phản ánh được nét tiêu biểu, đặc trưng của địa phương trong quá khứ hoặc hiện tại, hoặc cả hai. Nói cách khác, điều quan trọng nhất là các di sản lịch sử, văn hóa phải đem lại cho học sinh những tích lũy cần thiết cả về nhận thức lẫn tình cảm đối với quê hương.
Với quan điểm như vậy, dễ dàng thấy rằng lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn, rộng ra là không gian di sản văn hóa Chùa Bà - Nước Mặn, là một lựa chọn xác đáng vì nó mang lại cho học sinh những “ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước”.
2. Môn GDĐP được giảng dạy theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó trải nghiệm thực tế luôn đem lại cho học sinh niềm say mê thích thú. Trước hết, về với Chùa Bà - Nước Mặn hôm nay, các em sẽ bất ngờ đến ngạc nhiên khi biết thuở trước, vùng đất này là một cảng thị quan trọng của xứ Đàng Trong, từng có tên trên bản đồ hàng hải quốc tế. Theo đánh giá chung, thế kỷ XVII - XVIII là khoảng thời gian phát triển cực thịnh của cảng thị Nước Mặn. Từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi, vì nhiều lý do trong đó đáng kể nhất có lẽ là biến đổi tự nhiên, cảng thị Nước Mặn lâm vào tình trạng suy tàn, dần dần trở thành làng quê.
Như vậy, khi tiếp xúc với Chùa Bà - Nước Mặn, thu hoạch đầu tiên của học sinh sẽ là hiện tượng biến đổi tự nhiên không chỉ xảy ra ở đâu đó trên thế giới mà ngay trên quê hương mình. Điều này không chỉ là một minh họa sinh động cho thành ngữ “thương hải tang điền” (biển xanh biến thành ruộng dâu) mà sâu sắc hơn còn giúp giải thích những nguyên nhân có thể làm lụi tàn một cảng thị, biến đổi tự nhiên có thể ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội như thế nào.
Theo chúng tôi, lịch sử Nước Mặn ở khía cạnh này là một minh chứng quan trọng về mối quan hệ ảnh hưởng giữa biến đổi tự nhiên và sự phát triển kinh tế, văn hóa địa phương (rộng ra là vùng, đất nước). Nếu khai thác tốt khía cạnh này, bài học về “Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên ở Bình Định” trong môn học GDĐP sẽ sinh động, thuyết phục biết nhường nào!
3. Nơi xưa kia là cảng thị Nước Mặn cũng từng diễn ra hoạt động tiếp xúc, giao thoa văn hóa Đông - Tây rất sôi nổi và cởi mở. Hơn nữa, lễ hội Chùa Bà không những được duy trì qua hằng năm mà còn được nâng tầm giá trị, trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khi đến với Chùa Bà, nhất là vào thời điểm diễn ra lễ hội, các em học sinh sẽ được trải nghiệm trong một không gian rực rỡ sắc màu, vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Thu hoạch của các em qua lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn không chỉ là lịch sử đời sống cộng đồng, mà còn là bài học về “bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống ở Bình Định”.
Không gian Chùa Bà - Nước Mặn còn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. Điều này đã được làm rõ. Tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ (2016), GS Phan Huy Lê cũng thống nhất cho rằng: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn (Bình Định), Hội An, Thanh Chiêm (Quảng Nam), trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”.
Theo chúng tôi, sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một sự kiện đặc biệt quan trọng, rất cần được khai thác để giáo dục cho các em học sinh về đóng góp của Bình Định đối với tiến trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời cũng để bổ khuyết vào nhận thức của học sinh, sinh viên rằng Bình Định không chỉ có võ mà còn có văn.
***
Là một người thầy, cá nhân tôi tin rằng học sinh của tỉnh nên được học về Chùa Bà - Nước Mặn với trải nghiệm thực tế. Đó là hình thức học tập có tính khả thi, mang lại kết quả tích cực cả về nhận thức lẫn tình cảm. Trong hoạt động thực tế trải nghiệm này, Sở GD&ĐT nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền và nhân dân địa phương, Sở VH&TT, Sở Du lịch, Hội VHNT… Nếu làm được điều này thì môn GDĐP sẽ thực sự hấp dẫn, thiết thực đối với học sinh.
LÊ NHẬT KÝ