Nghệ thuật nhiếp ảnh và AI
Mấy năm gần đây chúng ta liên tục chứng kiến sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, rất nhiều điều không thể đã trở thành có thể; nhiều điều tưởng như phi lý đã thành có lý. Máy móc công nghệ đã thay thế lao động thủ công rất nhiều, tuy nhiên có vẻ như hoạt động sáng tạo nghệ thuật chưa bị tác động bao lăm.
Nói “có vẻ như” là bởi sáng tạo nghệ thuật là hoạt động vốn dĩ được mặc định là của riêng con người, do chính con người tạo ra, có tính độc bản, có dấu ấn cá nhân và được ghi nhận bởi chính con người với nhiều quy mô khác nhau. Nhưng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), mọi thứ đã rất khác. Xin lấy ví dụ cụ thể từ nghệ thuật nhiếp ảnh.
Vậy AI đã tác động đến nhiếp ảnh như thế nào? Nói nôm na là các thuật toán sẽ tích hợp dữ liệu hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau và theo yêu cầu của chủ thể sẽ đưa ra những kết quả thú vị. Ví dụ từ dữ liệu đã nạp liên quan đến “biển Quy Nhơn”, “du khách thăm biển Quy Nhơn”, “mùa hè ở biển Quy Nhơn”, “thuyền trên biển Quy Nhơn”, “hải âu trên biển Quy Nhơn”…, AI sẽ đưa ra nhiều tác phẩm như: Mùa hè trên biển, Biển Quy Nhơn đón du khách quốc tế….
Cách làm ra tác phẩm của AI khiến tôi nhớ ngay đến một số đợt thực tế sáng tác, sáng tác tập thể của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh ở ta lâu nay. Tôi tin rằng đi sáng tác như thế sẽ vui hơn, sẽ có cơ hội để thông cảm, hiểu nhau hơn. Nhưng ở khía cạnh sáng tạo, sự na ná nhau trong sáng tác cũng sẽ cao hơn. Trên thực tế tôi đã kịp thấy nhiều tác phẩm ảnh rất giống nhau, thậm chí giống nhau ở cùng một tác giả. Những tác phẩm ấy không hề xấu nhưng ít cá tính sáng tạo và thường không chuyển tải thêm thông tin gì mới.
Lao động nghệ thuật trong đó có nhiếp ảnh chưa bao giờ nhẹ nhàng. “Rong chơi” chỉ là một cách nói vui mà thôi. Người nghệ sĩ phải suy nghĩ, lao tâm khổ tứ rất nhiều khi xây dựng ý tưởng, sau đó phải tìm cách triển khai trong thực tế để có tác phẩm ưng ý. Những khoảnh khắc tình cờ có được thật ra chỉ là duyên may, là tình cờ chứ không nhiều. Nhưng ngay cả khi như thế thì người nghệ sĩ cũng phải chuẩn bị, phải mài sắc tư duy để khi duyên may đến, có đủ năng lực nhạy cảm để nhận diện ra khoảnh khắc của cái đẹp.
Cho nên việc đặt hoạt động sáng tạo dưới một nguồn sáng khác, trong một góc nhìn khác, thậm chí trên một thang giá trị khác cũng là chuyện nên tính đến. Trong bối cảnh công nghệ cao ngày càng tác động mạnh mẽ, sâu đậm hơn tới nghệ thuật, chính người nghệ sĩ tự mình càng phải nâng cao trình sáng tạo của mình lên, nỗ lực nhiều hơn. Và trong chừng mực nào đó nỗi cơ đơn trong hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ lại lớn hơn. Thật ra ngay cả khi không có sự tác động của công nghệ cao, của AI thì người nghệ sĩ tự nhiên cũng đã như vậy rồi (tuy nhiên có lẽ sẽ ít áp lực hơn). Nhưng chẳng phải mục đích của người nghệ sĩ trong đó có nghệ sĩ nhiếp ảnh là dấn thân tự buộc mình đi tìm cái hoàn hảo, cái tốt hơn, cái đẹp hơn hay sao…
BÁ PHÙNG