Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng
Khoảng thời gian 1.000 ngày từ thời kỳ mang thai của người phụ nữ cho tới khi đứa trẻ tròn 2 tuổi được coi là giai đoạn then chốt, các chất dinh dưỡng một đứa trẻ hấp thụ được từ khi người mẹ mang thai cho tới khi tròn 2 tuổi có tác động sâu sắc đến khả năng phát triển, học hỏi, và xây dựng cuộc sống tốt đẹp sau này.
Chăm sóc sức khỏe của người mẹ khi mang thai có liên quan mật thiết đến sức khỏe của thai nhi. Theo kết quả của một số nghiên cứu, để hỗ trợ thai nhi phát triển tối ưu, các vi chất dinh dưỡng như sắt, axit folic, kẽm, canxi... và các vitamin đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Chính vì vậy, bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và thai nhi.
Phòng chống thiếu vitamin A: Vitamin A được dùng để dự phòng và điều trị các triệu chứng như bệnh khô mắt, quáng gà. Vitamin A có trong trứng, cá, thịt, gan, tôm, rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, đu đủ, xoài… Trẻ được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng một lần để dự phòng thiếu vitamin A. Bà mẹ sau khi sinh uống 1 liều 200.000đv ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh.
Phòng chống thiếu vitamin D: Thiếu hụt vitamin D trầm trọng gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em và loãng xương ở người lớn. Thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang thai có liên quan với bệnh tiểu đường do mang thai, tiền sản giật và thai nhi nhỏ. Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin D như ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng, gan, dầu cá, bột mì, bánh quy, dầu ăn, ngũ cốc; tôm, cua, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomat… Đồng thời, hoạt động ngoài trời để nhận được ánh nắng mặt trời rất tốt cho sức khoẻ.
Phòng chống thiếu máu: Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng và cho ăn bổ sung hợp lý. Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt. Bổ sung viên sắt/acid folic là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Phòng chống thiếu kẽm: Kẽm là vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học và cần thiết cho hoạt động hơn 300 enzym trong cơ thể con người. Một số biểu hiện của thiếu kẽm như biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, rối loạn giấc ngủ, chậm phát triển thể lực, giảm trí nhớ… Cán bộ y tế sẽ chỉ định liều dự phòng thiếu kẽm cho các đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm.
THU PHƯƠNG
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)