Tăng nặng chế tài xử phạt, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp
Theo lộ trình tháng 10.2023, đoàn thanh tra EC sẽ tiếp tục tới thanh tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại nước ta. Đoàn của EC tiếp tục đánh giá việc thực hiện theo khuyến cáo của Việt Nam.
Từ khi Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam năm 2017, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài không thuyên giảm, thẻ vàng Việt Nam có thể bị xem xét chuyển sang “thẻ đỏ”. Nếu tình trạng này xảy ra, các chuyên gia ước tính nguy cơ tổn thất từ thị trường EU tương đương khoảng 480 triệu USD đối với ngành thủy sản nước ta, đồng thời ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, qua nhiều lần kiểm tra, EC đánh giá Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều nỗ lực tích cực trong việc gỡ thẻ vàng. Tuy nhiên trong 4 khuyến nghị với Việt Nam hiện vấn đề quản lý, giám sát đội tàu còn bất cập, cần được tập trung thực hiện.
Tăng nặng chế tài xử phạt chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp.
“Thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc, quản lý tàu là những nội dung quan trọng mà EC khuyến nghị ta phải tập trung vào và bây giờ nếu như còn tàu vi phạm, chúng ta không thể gỡ được thẻ vàng. Khuyến nghị của EC, thứ nhất, về khung pháp lý: châu Âu đánh giá ta đủ điều kiện để gỡ thẻ vàng và phát triển thủy sản bền vững. Thứ hai, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu là vấn đề nan giải nhất” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Mặc dù việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt trên 97% tàu cá cỡ lớn, được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu quản lý và cảnh báo kịp thời khi tàu cá xâm nhập vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp. Tuy nhiên một số chủ tàu cá cỡ lớn đã đối phó bằng cách gỡ bỏ thiết bị giám sát chuyển sang tàu cá khác, để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện. Do vậy, từ đầu năm đến nay tiếp tục xảy ra 14 tàu khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài với 84 ngư dân bị bắt giữ, xử lý, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang.
Mặc dù số vụ đã giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khi còn 1 tàu cá vi phạm thì vẫn chưa thể gỡ được thẻ vàng. Trước thực trạng đó, ngành chức năng đã cảnh báo các địa phương tuyên truyền kịp thời tới ngư dân, có biện pháp xử lý mang tính răn đe, đồng thời các lực lượng chấp pháp trên biển cho biết đã tăng cường lực lượng tuần tra, giám sát.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: “Hiện nay lực lượng của Bộ Quốc phòng: lực lượng kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển ở phía ngoài ranh giới vùng tiếp giáp vùng biển của nước ngoài, lực lượng biên phòng trên bờ cũng đang rất tích cực. Vừa rồi chúng tôi cũng có điều động lực lượng biên phòng các tuyến biên giới tăng cường cho các tuyến biển để kiểm tra, kiểm soát, thậm chí các bãi ngang bến cóc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và làm các thủ tục xuất nhập. Tuy nhiên, tôi thấy để chấm dứt nội dung này vấn đề rất quan trọng là kiến nghị với Bộ Quốc phòng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt”.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp và đặt mục tiêu phấn đấu đến tháng 10 năm nay nước ta gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Theo Nguyên Nhung (VOV1)