Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải đồng bộ, hiệu quả
Ðó là nội dung đặt ra tại phiên họp chuyên đề “Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ Bộ TT&TT với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước, do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức vào chiều 5.6.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số quốc gia, chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lâm Hải Giang.
Tỷ lệ đáp ứng toàn bộ yêu cầu thực hiện chuyển đổi số còn thấp
Theo kết quả khảo sát của Bộ TT&TT, đến nay, mới chỉ có 17/83 bộ, ngành, địa phương đáp ứng toàn bộ yêu cầu thực hiện chuyển đổi số theo Đề án 06 (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đó là các bộ TM&MT, TT&TT, CA, KH&ĐT; TP Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tây Ninh.
Việc chưa đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu tối thiểu về mạng, đường truyền, máy chủ, phần mềm và an toàn, an ninh mạng dẫn đến chưa thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiệu quả; chất lượng dịch vụ công trực tuyến thấp, thời gian phản hồi chậm. Trong đó, nhóm chức năng ký số của tổ chức, cá nhân; chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; các yêu cầu về an toàn, an ninh mạng đối với Hệ thống cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… chưa được bổ sung và triển khai đầy đủ, đồng bộ.
Tại Bình Định, theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, tỉnh đang cung cấp 1.315 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 71,58% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh), 97 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 5,28%); đã triển khai việc thanh toán trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính có quy định thu phí, lệ phí. Tuy nhiên, tỉnh còn 425 dịch vụ công chưa cung cấp trực tuyến (chiếm 23,14%).
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 212.451 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm gần 32%. Thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ về đất đai 2.122 giao dịch, với tổng số tiền thanh toán hơn 9 tỷ đồng; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính phát sinh 77.334 giao dịch, với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Thực hiện số hóa thành phần hồ sơ đầu vào đạt tỷ lệ 42,67%; cung cấp kết quả điện tử đạt tỷ lệ 33,36% và khai thác dữ liệu số hóa đạt tỷ lệ 2,88%.
Về kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được Văn phòng Chính phủ đánh giá trực tuyến, công khai theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Định đang xếp thứ 11/63 tỉnh, thành của cả nước.
Rõ nhiệm vụ, đầu mối chủ trì, nguồn lực
Tại phiên họp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia (thuộc Cục chuyển đổi số quốc gia) Đỗ Lập Hiển đã giới thiệu về Bộ tiêu chí đánh giá Cổng dịch vụ công năm 2023, nhằm thực hiện đánh giá các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương dưới góc độ người sử dụng. Bộ tiêu chí gồm 3 trụ cột đánh giá: Chức năng (70 điểm), hiệu năng (20 điểm), khả năng truy cập thông tin thuận tiện (10 điểm).
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N. HÂN
Cũng tại phiên họp, đại diện chính quyền các địa phương và các cơ quan Trung ương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN. Đồng thời, dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về những tồn tại, khó khăn và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. Do đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Đồng chí đề nghị tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung, ban hành kế hoạch hành động năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó giao rõ nhiệm vụ, đầu mối chủ trì, nguồn lực và thời hạn hoàn thành cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Yêu cầu khẩn trương hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử. Đề nghị các DN viễn thông cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện nâng cấp, cập nhật lên phiên bản mới nhất.
Nguồn: BTV
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ người dân, DN tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp.
NGUYỄN HÂN