Quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn:
Còn nhiều bất cập
UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn (CTCNTT) sau khi có kết quả khảo sát và đánh giá của ngành chức năng về những bất cập của mô hình. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn An, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (thuộc Sở NN - PTNT) về vấn đề này.
* Thưa ông, hơn 80% CTCNTTNT hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động chủ yếu ở những địa phương nào?
- Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã xây dựng được 136 CTCNTT với tổng công suất thiết kế 44.920 m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 403.910 người dân nông thôn. Cụ thể, huyện An Lão có 49 công trình; Vân Canh có 18; Vĩnh Thạnh có 17; Hoài Ân có 16; thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Phù Cát có 5; Tuy Phước có 4 và TP Quy Nhơn
có 2. Nhìn chung, các công trình đạt chất lượng tốt, bảo đảm các quy định hiện hành. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, có nhiều công trình khai thác kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu cấp nước cho nhân dân trong vùng dự án. Qua kiểm tra tổng thể 136 CTCNTT tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chúng tôi phát hiện có 23 CTCNTT bị hư hỏng, không hoạt động, đa số ở các huyện miền núi như Vĩnh Thạnh và An Lão mỗi huyện 6 công trình, Vân Canh 3 công trình, Hoài Ân 2 công trình…
* Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
- Nguyên nhân là do kế hoạch xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch được phê quyệt; việc xây dựng kế hoạch thực hiện chủ yếu dựa vào vốn ngân sách Nhà nước và sự hỗ trợ từ bên ngoài, dẫn tới việc cân đối kế hoạch gặp nhiều khó khăn; khi sự hỗ trợ không đáp ứng thì mục tiêu bị phá vỡ.
Trong tổng số 136 CTCNTTNT trên địa bàn tỉnh, chỉ có 4,4% công trình đang hoạt động bền vững, 13,3% hoạt động trung bình, 71,3% hoạt động kém hiệu quả, 11% không hoạt động.
Thứ hai, công tác lập dự án và hồ sơ thiết kế không có sự tham gia của người dân trong việc lập dự án đầu tư. Hồ sơ thiết kế CTCNTT thường được lập sơ sài, khi xây dựng thường phải chỉnh sửa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hiệu quả hoạt động của công trình sau khi đưa vào sử dụng.
Thứ ba, việc chọn đơn vị thi công cho một số công trình chưa đảm bảo, đặc biệt khâu lắp đặt công nghệ và thiết bị; nhiều đơn vị giám sát chưa có tính chuyên nghiệp. Hơn nữa, nhiều công trình do UBND các huyện làm chủ đầu tư, nhưng lại thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, khiến chất lượng giám sát còn thấp. Hoặc khi hoàn thành, chủ đầu tư không cho chạy thử, kiểm tra các thông số thiết kế hay chất lượng nước sau xử lý.
Mặt khác, đa phần những công trình do huyện làm chủ đầu tư sau khi hoàn thành thường giao cho UBND xã, HTX hoặc tổ cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý, vận hành khai thác và bảo vệ, nhưng một số thành viên quản lý CTCNTT thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành công trình, đến khi xảy ra sự cố, hỏng hóc việc xử lý còn lúng túng, chậm trễ. Do đó, nguồn nước cấp cho dân sử dụng không đảm bảo tiêu chuẩn như thời điểm công trình mới đưa vào sử dụng.
* Vậy làm thế nào để khắc phục những bất cập, yếu kém?
- Trước hết, phải gắn trách nhiệm của UBND cấp huyện với hiệu quả công trình cấp nước do huyện làm chủ đầu tư. Việc tổ chức tham vấn cộng đồng vùng dự án, lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành khai thác cần chú trọng hơn. Tiếp đến, cần lựa chọn đơn vị giám sát công trình có kinh nghiệm trong lĩnh vực nước sạch, qua đó, giúp chủ đầu tư giám sát tốt chất lượng công trình xây dựng. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh mô hình quản lý, vận hành, khai thác và loại bỏ mô hình quản lý không phù hợp.
Mỗi huyện thành lập Ban quản lý cấp nước sạch và vệ sinh (là đơn vị sự nghiệp thuộc huyện như huyện Tuy Phước và Tây Sơn), để quản lý và vận hành tất cả công trình có quy mô nhỏ hơn 1.000m3/ngày, với mục đích tăng nhanh diện bao phủ cấp nước sạch, quản lý chất lượng nước, đảm bảo an toàn công trình trong mùa khô và cả mùa lũ. Giao Trung tâm nước quản lý vận hành nguồn nước, xử lý các công trình có quy mô từ 1.000m3/ngày trở lên. Đặc biệt, UBND tỉnh cần quy định chế tài đối với các đơn vị quản lý cấp nước vi phạm chất lượng nước.
Đối với các công trình đang thu phí nước, giá nước cần được tính đủ để bảo đảm chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, nhằm bảo đảm cho công trình hoạt động ổn định. Riêng các công trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thu phí, UBND tỉnh, huyện cần quan tâm cấp bù kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)