Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh:
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng tái mù chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi?
(BĐ) - Chiều 6.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Phát biểu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu cho biết, trong các chuyến công tác vùng sâu, vùng xa, tôi đã gặp rất nhiều người đồng bào dân tộc bị tái mù chữ. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết Ủy ban Dân tộc đã có khảo sát như thế nào về tỷ lệ tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi từ thiếu niên đến người trưởng thành? Bộ trưởng đã có phương án phối hợp với MTTQ và Bộ GD&ĐT như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu Bộ trưởng và các Ủy ban đã chỉ rõ Quyết định 621 đã có những bất cập và đang sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng có biết là tỷ lệ bao nhiêu người dân trong số 2,1 triệu đồng bào dân tộc có vấn đề về sức khỏe trong gần 2 năm vừa qua mà không có bảo hiểm y tế. Do đó, đb Hiếu đề nghị những chính sách mà chúng ta làm phải rất cẩn thận, đánh giá tác động trước khi quyết định và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến là chúng ta phân loại theo thôn, xã. Nhưng chúng ta cần phải rà soát từng người dân để không được bỏ ai lại phía sau.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: Quochoi.vn.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện nay, số người tái mù chữ, hay nói cách khác là chưa nói thông viết thạo tiếng Việt chiếm khoảng 15% trong tổng số người dân tộc thiểu số.
“Phải nói rằng, với chính sách giáo dục cật lực, rất tốt của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, đến bây giờ mới được kết quả như vậy. Tuy nhiên, tỷ lệ 15% tái mù chữ cũng là những điều hết sức trăn trở” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, trong 15% số người mù chữ trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số có cả tái mù, có cả những người chưa bao giờ đi học, do nhiều yếu tố khách quan. Về phương án giải quyết vấn đề này, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để có các giải pháp giáo dục thời gian tới đây.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Để giải quyết được vấn đề này ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh sáu vùng kinh tế trong cả nước đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó có nghị quyết về phát triển giáo dục đề ra các giải pháp xóa mù chữ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai nghị quyết và sẽ có chính sách xóa mù chữ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, về tác động ảnh hưởng của Quyết định 861, có 2,1 triệu người không được hưởng bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết hiện nay Bộ Y tế đang chủ trì sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung các nhóm đối tượng này vào trong vào trong nghị định sửa đổi Nghị định 146.
Về ý kiến 2,1 triệu người 2,1 triệu người không được hưởng bảo hiểm y tế trong 2 năm qua thì Bộ trưởng có bao nhiêu người bị bệnh, ốm đau hoặc bệnh hiểm nghèo gì không? Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời, vấn đề này thuộc về lĩnh vực tổng kết chuyên môn của ngành y tế, ở các bệnh viện, các tuyến y tế cơ sở, chưa thể tổng hợp được ngay trong phiên chất vấn này, và sẽ cùng phối hợp với Bộ Y tế sẽ tổng hợp sau.
Chủ tịch Quốc hội kết luận, phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ, đồng thời đề xuất được phương hướng và một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách.
Chủ tịch quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030. Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định và hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình; chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung trong chương trình bảo đảm hiệu quả thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
N. HÂN (Ghi)