Ủy ban châu Âu kêu gọi dán nhãn nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra
EC cảnh báo “mặt tối” của công nghệ mới nổi, đồng thời kêu gọi các công ty công nghệ dán nhãn rõ ràng nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra để tránh truyền bá thông tin sai lệch.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Vera Jourova. (Nguồn: AP)
Theo phóng viên tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5.6 đã cảnh báo “mặt tối” của công nghệ mới nổi, đồng thời kêu gọi các công ty công nghệ dán nhãn rõ ràng nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra để tránh truyền bá thông tin sai lệch.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Vera Jourova cho biết các công ty công nghệ đã tham gia quy tắc thực hành tự nguyện của Liên minh châu Âu (EU) chống thông tin sai lệch; trong đó có TikTok, Microsoft và Meta, cần cảnh báo người dùng về nội dung do AI tạo ra.
Mặc dù có những động lực tốt, nhưng vẫn có những "mặt tối" với những nguy cơ và khả năng gây hậu quả tiêu cực đối với xã hội.
Bộ quy tắc thực hành tự nguyện đặt ra các nguyên tắc tuân thủ phù hợp với việc kiểm duyệt nội dung của EU, tuy nhiên việc chống lại thông tin sai lệch sẽ trở thành nghĩa vụ pháp lý đối với tất cả mọi người theo đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU, dự kiến có hiệu lực từ ngày 25.8 tới.
Đề xuất này tuân theo những tiến bộ nhanh chóng trong AI tổng quát, từ tạo văn bản đến tạo hình ảnh và video siêu thực - vốn làm gia tăng mối lo ngại về việc công nghệ này có thể bị lạm dụng để truyền bá thông tin sai lệch.
Bà Jourova nhấn mạnh các nền tảng trực tuyến cần đánh dấu nội dung do AI tạo ra để người dùng bình thường có thể thấy rõ rằng một số nội dung văn bản, hình ảnh hoặc video nhất định không phải do con người tạo ra.
Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất Đạo luật AI để điều chỉnh các ứng dụng có rủi ro cao và cấm những ứng dụng nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm mới có thể đưa một luật như vậy vào thực thi. Do đó, trước khi luật này có hiệu lực từ nay cho tới cuối năm nay, các quan chức của EU đã hối thúc các công ty tuân thủ các điều khoản của nó.
Đạo luật AI của Liên minh châu Âu, với các quy định liên quan nhận diện khuôn mặt và sinh trắc học, có thể là điều luật toàn diện đầu tiên trên thế giới quản lý công nghệ AI nhưng hiện đạo luật này vẫn đang trong quá trình xem xét.
Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp của Hội đồng thương mại và công nghệ EU-Mỹ ở Thụy Điển, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết trong những trường hợp khả quan nhất đạo luật của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực trong 2,5-3 năm tới song cho rằng như vậy rõ ràng là quá muộn. Ủy viên Liên minh châu Âu khẳng định cần hành động ngay từ bây giờ.
Kể từ khi ra mắt hồi năm 2018, có 44 nền tảng trực tuyến đã tham gia quy tắc thực hành tự nguyện của EU, song mạng xã hội Twitter đã rút khỏi quy tắc hồi tháng trước, một động thái mà theo bà Jourova, “là một sai lầm” có thể khiến Twitter gặp khó khăn.
Theo Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)