Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm
Theo thống kê của Bộ Công Thương, do đơn hàng tại nhiều thị trường suy giảm đã tác động tới tiêu thụ hàng hóa, trong đó nhập khẩu của cả nước cũng giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta.
Thống kê cho thấy, trong tháng 5.2023 cả nước chi khoảng 26,81 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, Tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong 5 tháng ước đạt 110,9 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 8,12 tỷ USD.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 42,4 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 26,8%; thị trường ASEAN đạt 17,2 tỷ USD, giảm 15,2%; Nhật Bản đạt 8,86 tỷ USD, giảm 10,6%; thị trường EU đạt 5,8 tỷ USD, giảm 12,3%; Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, giảm 2,7%.
Theo Đức Duy (Vietnam+)