Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Định tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực KH&CN
(BĐ) - Ngày 7.6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực KH&CN.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH Bình Định) tham gia tranh luận với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt liên quan đến việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và phương án chiêu mộ nhân tài về Bộ KH&CN làm việc.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu tham gia chất vấn. Ảnh: VP Đoàn ĐBQH tỉnh.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ trưởng cho biết, qua 4 năm hoạt động (từ năm 2019 đến nay) Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã rút ra kinh nghiệm gì để có thể ứng dụng trong các trung tâm mới một cách thực chất nhằm phát triển KH&CN. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thêm kinh nghiệm về mô hình này.
Ngoài ra, ĐB Hiếu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây sẽ có phương án như thế nào để chiêu mộ nhân tài về Bộ KHCN làm việc?
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trung tâm đổi mới sáng tạo hiện nay được đặt ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Qua khảo sát thực tế, Trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương khác. Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm có thể học tập, chia sẻ được ở trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là những chính sách rất đặc thù cho hoạt động này, như: Chính sách giảm thuế, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, chủ trương phát triển những không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà đầu tư.
Về thu hút nhân tài, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, đây là điều rất trăn trở, bởi khi triển khai ở cơ sở gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về công chức, viên chức, tài chính. Vừa qua, triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ KH&CN được Chính phủ giao xây dựng đề án thu hút đội ngũ trí thức. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng Bộ cũng sẽ cố gắng để đề án thực sự thu hút được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về Việt Nam làm việc. Trong quá trình triển khai xây dựng đề án, Bộ KH&CN cũng sẽ lấy ý kiến các cơ quan quản lý, các địa phương và đặc biệt là các nhà khoa học, trong đó có các vị ĐBQH.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm về câu hỏi của ĐB Hiếu về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ trưởng Dũng cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực và được lồng ghép thêm hai vấn đề cốt lõi là KH&CN mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm này, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Chức năng của trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứ trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.
Về nhân tài và nhân lực, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng một mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, theo đó đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, trong đó ở Mỹ có 2 văn phòng và đã quy tụ khoảng gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới ở trong mạng lưới này. Hiện nay có 2 cơ sở đã làm xong là cơ sở ở Cầu Giấy, hiện nay đã được coi là trung tâm tốt nhất Việt Nam và trung tâm ở Hòa Lạc tháng 10 này sẽ khánh thành. Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ phải xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù để thúc đẩy cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng rất đồng tình với quan điểm của đại biểu phát biểu trước đó. Bộ trưởng cho rằng trong khoa học, công nghệ phải có nhân tài và muốn có nhân tài thì cần phải có môi trường để cho họ cống hiến. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời phải thu hút được nguồn lực xã hội để đảm bảo được những sáng kiến và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy tham gia chất vấn. Ảnh: VP Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nhận thấy, nội dung này đã hiện hữu trong Nghị quyết số 27 ngày 6.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết nêu rõ: Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, trường đại học trọng điểm và các trung tâm văn hóa hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học vẫn chưa được hình thành, trong đó có một số tỉnh đã làm thí điểm các mô hình này. ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế hành lang pháp lý nào để thực hiện đạt được mục tiêu của Nghị quyết 27 đã đề ra?
Nguồn: BTV
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết vấn đề xây dựng các đô thị khoa học là vấn đề mới trong thực tiễn, chưa có trong quy định của pháp luật. Bộ sẽ tiếp thu và đang nghiên cứu các mô hình của các nước và dự kiến sẽ cùng với các bộ, ngành đưa ra các quy định và cơ chế chính sách khi sửa Luật KH&CN và Luật Công nghệ cao sắp tới sẽ đưa mô hình này vào luật.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm, các ĐBQH đều đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn và trọng tâm, một số đại biểu tích cực tranh luận, làm rõ hơn vấn đề chất vấn; Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cơ bản nắm vững thực trạng, lĩnh vực quản lý, đã trả lời đầy đủ, khá thẳng thắn các câu hỏi của ĐBQH, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý mỗi vấn đề trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
N. HÂN (Ghi)