Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả
Có 4 ha đất vườn, gia đình anh Nguyễn Tấn Trung và chị Phạm Thị Khanh ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) đầu tư trồng cây ăn quả và kết hợp nuôi gà thả vườn, nuôi heo thịt. Mô hình làm vườn kết hợp chăn nuôi đã giúp gia đình anh chị ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Vợ chồng anh Trung và chị Khanh gắn bó, lập nghiệp với vườn quê hơn 10 năm nay. Ðược bố mẹ cho mảnh vườn với khoảng chục gốc bưởi năm roi làm vốn, anh chị ra sức chăm sóc và phát triển khu vườn, đến nay mở rộng lên đến 4 ha với 100 gốc bưởi năm roi đã cho thu hoạch và gần 300 gốc bưởi da xanh từ 1 - 3 năm tuổi, 2.000 con gà thả vườn cùng với 300 con heo thịt; bình quân mỗi năm lãi khoảng 100 - 200 triệu đồng.
Xác định “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển kinh tế gia đình bền vững, vợ chồng anh Trung đầu tư vốn liếng vào chăn nuôi, vay thêm 200 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân để gầy đàn gà thả vườn, phát triển vườn bưởi da xanh. Từ đàn gà giống nhỏ bé ban đầu, đến nay gia đình anh Trung đã thành lập được cơ sở ấp nở giống gà ta, gầy đàn gà thịt thương phẩm hơn 2.000 con. Trong nuôi gà thả vườn, điểm khác của anh Trung là tự nhân giống gà, một gà mẹ dẫn đàn khoảng 50 con từ lúc mới nở cho tới lúc trưởng thành. Cách làm này giúp nâng cao tỷ lệ gà sinh trưởng và phát triển tốt khi thả nuôi.
Anh Nguyễn Tấn Trung chia sẻ kinh nghiệm riêng trong nuôi gà thả vườn. Ảnh: THU DỊU
Anh Trung chia sẻ: “Bí quyết quan trọng là trong giai đoạn úm gà trước khicho tách đàn phải chú ý các khâu trong chăm sóc, chuồng trại, vắc xin. Ðây là kinh nghiệm tôi tự đúc rút riêng qua quá trình nhân giống, để áp dụng cho việc chăn nuôi trong gia đình. Khi chọn nuôi gà thả vườn, tôi nhắm tới lợi thế vườn cây ăn trái của gia đình để đầu tư. Sau giai đoạn úm thành công, một gà mẹ tách đàn cùng 50 gà con, di chuyển trong khu vực nhất định vừa dễ kiểm soát vừa đảm bảo theo dõi được tỷ lệ gà phát triển qua từng giai đoạn. Có lợi thế về con giống, tận dụng được khu vườn và thức ăn là phế, phụ phẩm trong sản xuất, phối trộn thêm cám, bột gạo, nhờ vậy chi phí ban đầu bỏ ra ít hơn so với thông thường, lấy công làm lãi như vậy nên thu nhập của gia đình ổn định dần”.
Gia đình anh Trung nuôi gối đầu, mỗi tháng xuất bán 50 - 100 con gà thịt, toàn bộ gà đều được thương lái ở Ðà Nẵng đặt mua trọn. Hiện nay, đã có thêm một số đối tác là các thương lái, một số nhà hàng, quán ăn đặt vấn đề mua gà của anh Trung nhưng do số lượng chưa đủ đáp ứng, nên gia đình anh Trung chủ yếu vẫn chỉ bán cho bạn hàng.
Theo chị Phạm Thị Khanh, mô hình kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn trái đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, thu nhập tăng và chăm lo cho 2 con học hành chu đáo. Ðiểm thuận lợi của gia đình anh chị là khi bắt tay thực hiện có ngay sự hỗ trợ, tư vấn từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.
“Năm 2021, khi mở rộng khu vườn và đầu tư trồng bưởi da xanh, gia đình tôi được các cấp hội, đoàn thể ở xã hướng dẫn tham gia vào tổ vay vốn để có thêm điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi. Có vốn rồi, vườn được cải tạo dần, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, nhờ vậy mà diện tích bưởi da xanh của gia đình tôi phát triển tốt, dự kiến năm nay sẽ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Do nhu cầu mở rộng sản xuất, chúng tôi được giới thiệu đưa sản phẩm qua các kênh phân phối, phía chính quyền xã từng bước hướng dẫn để xây dựng sản phẩm OCOP, trước mắt là sản phẩm gà ta thả vườn”, chị Khanh chia sẻ thêm.
THU DỊU