Bộ trưởng GTVT đưa giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải, logistics
Hiện, Việt Nam đã ở mức tiệm cận được với chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại chiến lược phát triển logistics của nước ta là đến năm 2025 chi phí logistics chiếm khoảng 16-20%.
Bốc xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thừa nhận thực trạng chi phí vận tải, logistics hiện còn khá cao, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 8.6, trả lời về chi phí vận tải, logistics khá cao và nêu rõ các giải pháp để giảm chi phí này trong thời gian tới, Bộ trưởng Thắng cho biết chi phí logistics những năm vừa qua đã có cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2022, logistics chiếm 16,8% GDP (trong khi những năm trước là 21% GDP) nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, bình quân thế giới chiếm chỉ khoảng 11%.
“Hiện chúng ta đã ở mức tiệm cận được với chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại chiến lược phát triển logistics của Việt Nam là đến năm 2025 chi phí logistics chiếm khoảng 16-20%. Điều này minh chứng chỉ số về hiệu quả logistics của Việt Nam và vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khi nước ta xếp 43/139 nước và khu vực ASEAN đứng vị trí thứ 4, đây là kết quả ban đầu để phấn đấu”, Bộ trưởng Thắng nói.
Khẳng định dư địa để giảm logistics còn nhiều, ông Thắng cho hay thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương và các bộ ngành tập trung giải quyết 1 số giải pháp trong đó phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đầu tư các cảng cạn trung tâm lo để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối cảng biển với cao tốc và đường thủy nội địa. Vừa qua, các kết nối này đem lại hiệu quả rất cao. Tại cảng Cái Mép-Thị Vải có hơn 70% container được vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa, trong khi cảng Lạch Huyện và các cảng ở phía Bắc chỉ đạt 13,4% bởi gặp bất cập khi một số cầu không đảm bảo tĩnh không.
Để khắc phục triệt để, Bộ Giao thông Vận tải đã lập dự án để nâng các cầu tĩnh không này; rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến giá, chi phí vận tải như phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…; tập trung ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến vận hành khai thác các chuỗi cung ứng logistics để các doanh nghiệp khai thác logistics và doanh nghiệp cảng biển có thể giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Song song với đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chi phí để phát triển cảng xanh, cảng thông minh, góp phần giảm thời gian tiếp nhận tàu ra/vào và tăng năng suất khai thác.
Với 5 quy hoạch lĩnh vực giao thông đã được phê duyệt, theo ông Thắng, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để tính toán kết nối giữa các phương thức với nhau, đặc biệt là kết nối đường thủy và cảng biển.
“Trong 5 quy hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải lấy quy hoạch hàng hải là quy hoạch trung tâm hay nói các khác các cảng biển là trung tâm nhằm tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt, đường biển”, Bộ trưởng Thắng cho biết.
Theo Nhóm PV (Vietnam+)