Cục An ninh mạng khuyến cáo về "bẫy" mua bán tài khoản ngân hàng
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân.
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều tài khoản đăng bài có nội dung về việc thu mua, thuê mướn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng. Với việc không ý thức được tính nguy hiểm của việc mua bán, cho thuê thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, nhiều người dân có thể gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý hành chính, hoặc hình sự.
Nhiều nhóm mua bán tài khoản ngân hàng xuất hiện trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với PV, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết: Phương thức, thủ đoạn liên quan đến hoạt động mua bán tài khoản thanh toán rất tinh vi. Các đối tượng thường lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán để vận động học sinh, sinh viên hoặc công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật để mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó, thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản, từ đó phân phối lại trên không gian mạng để kiếm lời bất chính.
Các đối tượng thường tham gia vào các hội nhóm liên quan đến chạy chỉ tiêu ngân hàng để đăng tin, tuyển lựa người mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng với giá từ 1-2 triệu/tài khoản thanh toán. Sau khi hoàn tất thủ tục mở tài khoản thanh toán, chủ tài khoản chuyển lại cho đối tượng thông tin đăng nhập tài khoản thanh toán, số điện thoại (thường là sim không chính chủ do chủ tài khoản tự mua hoặc do đối tượng cung cấp), thẻ ngân hàng.
Bên cạnh đó, đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại.
Các tài khoản thanh toán không chính chủ này được sử dụng chủ yếu cho mục đích luân chuyển dòng tiền trong các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng.
Cũng theo đại diện A05, người cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” với mức phạt lên tới 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên tới 2 năm.
Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoặc phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điều 15 sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 26 Nghị định 88).
Để tránh nguy cơ rơi vào “bẫy” của các đối tượng xấu, đại diện A05 khuyến cáo: Người dân cần nâng cao ý thức trong việc mở, sử dụng, quản lý tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân, tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân.
Người dân cần hạn chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như: hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thanh toán... trên môi trường mạng để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất.
Trong trường hợp phát hiện đối tượng chào mời cho thuê, cho mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, đề nghị người dân tố giác và cung cấp tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Trọng Phú (VOV.VN)