Kiên quyết xử lý, không để xảy ra vi phạm mới
Tại Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh, do UBND tỉnh tổ chức, chiều 8.6, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các địa phương tập trung xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh hiện nay; kiên quyết không để xảy ra tình huống vi phạm mới.
Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh, chiều 8.6.
Rà soát, xử lý nghiêm
Đáng chú ý, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay tình trạng vi phạm về lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép có trường hợp kéo dài nhiều năm, việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương chưa quyết liệt và hiệu quả.
Số vụ việc được phát hiện và xử lý vi phạm chưa đạt 50% nên không có tác dụng răn đe. Một số điểm nóng vi phạm như TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Tây Sơn… Việc vi phạm trật tự xây dựng, lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra, tồn tại nhiều năm chưa được kiểm tra, xử lý dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân, nhưng UBND cấp huyện, cấp xã chưa kiên quyết xử lý hoặc xử lý không triệt để.
Một số trường hợp không ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế phá dỡ công trình nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn tồn tại kéo dài trong nhiều năm.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng không phép, sai phép; lấn, chiếm đất đai xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian đến, UBND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.
Theo đó, đề nghị các sở ngành, địa phương nghiêm túc xem xét trách nhiệm người đứng đầu theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, nếu buông lỏng quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát các trường hợp công trình vi phạm còn tồn tại trên địa bàn để chỉ đạo kiên quyết, xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại. Đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời để không phát sinh các vi phạm mới.
Xử lý nghiêm cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc không xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công phụ trách.
Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Kiên quyết cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Lực lượng chức năng TP Quy Nhơn tổ chức cưỡng chế vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại phường Ghềnh Ráng. Ảnh: LÊ HIẾU
Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm
“Trong quan điểm xử lý vi phạm lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép phải công bằng, công tâm, không có vùng cấm, không có nhẹ người này, nặng người kia, nhất là cán bộ và người thân của cán bộ nếu sai phạm phải nghiêm túc xử lý”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn “chốt” quan điểm: Chúng ta phải xác định công tác quản lý trật tự xây dựng, chống lấn chiếm đất đai là nhiệm vụ của chính quyền, bắt đầu từ chính quyền xã. Thứ hai là tập trung kiên quyết xử lý các vi phạm hiện nay, làm theo hướng tổng rà soát lại lần nữa, giải quyết căn cơ trường hợp nào cho để, trường hợp nào không cho tồn tại. Rà soát lại để xử lý các tình huống cụ thể. Khi giải quyết phải có tình có lý, vẫn phải tính đến yếu tố nhân văn, yếu tố thực cảnh của từng địa phương, từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào vướng thì huyện báo cáo cho tỉnh xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, phân công trách nhiệm rõ ràng, địa phương phải thực thi; sở, ngành kiểm tra, giám sát và hướng dẫn.
Bình Định muốn trở thành trung tâm đô thị văn hóa thì phải xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, đừng vì cả nể một người nào mà làm phá vỡ quy hoạch đô thị. Chúng ta phải tập trung xử lý đối với tình trạng lấn chiếm, trong đó phòng là chính. Đối với trường hợp lấn chiếm đất đai mới phát sinh thì phải xử lý ngay; trường hợp vi phạm cũ, thì phải tính toán, có phương án xử lý rõ ràng, có tính nhân văn và đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tập trung công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị. Sở TN&MT tập trung công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm đất đai. Các sở, ngành phối hợp với địa phương tính toán chính sách về nhà ở cho người dân.
Với các huyện, thị xã, thành phố, đề nghị hệ thống chính trị cùng vào cuộc, kiên quyết không được để xảy ra vi phạm mới. Chính quyền xã phải làm công tác quản lý trên lĩnh vực này hằng ngày, phát hiện và giải quyết ngay, xác định phòng ngừa là chính.
Nguồn: BTV
“Công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt xử lý phải công tâm, gương mẫu và công bằng, tránh tình trạng lợi ích cá nhân thì mới giải quyết được căn cơ và không phát sinh tình huống vi phạm mới. Giải quyết có tình có lý và đứng về phía dân, đừng để người dân bị thiệt”, Chủ tịch lưu ý.
Theo UBND tỉnh, thống kê tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, từ trước đến ngày 31.3.2023, toàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp vi phạm, đã xử lý 6.945 trường hợp, còn 7.313 trường hợp chưa xử lý. Trong đó, nhiều nhất là TP Quy Nhơn với 5.074 trường hợp (đã xử lý 2.712 trường hợp); huyện Tuy Phước 3.293 trường hợp (đã xử lý 1.235 trường hợp); huyện Tây Sơn có 2.410 trường hợp (đã xử lý 2.135 trường hợp)…
Trong 3 năm (2020 - 2022), trên địa bàn tỉnh có 1.781 trường hợp vi phạm về công trình xây dựng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Trong đó, 1.781 trường hợp đã lập hồ sơ xử lý; 1.069 trường hợp đã thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ; 159 trường hợp chưa xử lý. Nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn với 1.389 trường hợp, các trường hợp này đều đã được lập hồ sơ để xử lý, nhưng mới cưỡng chế được 940 trường hợp.
Triển khai cụ thể việc xử lý các vụ việc vi phạm thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng cho hay, với xử lý các trường hợp vi phạm trước ngày 1.7.2014, trường hợp nào đủ điều kiện cho phép tiếp tục sử dụng đất (đủ điều kiện tồn tại) thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ; trường hợp nào không đủ điều kiện cho phép tồn tại (kể cả không phù hợp quy hoạch, hoặc phát sinh từ ngày 1.7.2014 trở về sau) thì phải có thông báo rõ nội dung gửi UBND xã, phường, thị trấn và nhân dân biết để thực hiện.
Các trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 1.7.2014 trở về sau, Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và phòng chuyên môn thuộc huyện thường xuyên kiểm tra phát hiện trường hợp mới phát sinh, gắn với việc công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử và địa điểm tiếp nhận các thông tin từ tổ chức, công dân phát hiện thông báo các trường hợp lấn, chiếm đất đai, giao đất trái quy định. Đồng thời triển khai thực hiện việc xử lý.
THU HIỀN