Thư viện tỉnh: Xây dựng và phát huy kho tư liệu địa chí
Với vốn tài liệu phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của đông đảo bạn đọc, những năm qua, Thư viện tỉnh đặc biệt chú trọng việc xây dựng và phát huy kho tư liệu địa chí tỉnh Bình Định, góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá địa phương.
TS - Võ sư cao cấp Hồ Minh Mộng Hùng, Trưởng bộ môn Thể chất - Khoa Giáo dục thể chất - Quốc phòng (Trường ĐH Quy Nhơn), là một trong những bạn đọc thân thiết của Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Thư viện tỉnh hiện lưu giữ nhiều đầu sách, tư liệu quý có giá trị cao, nhất là kho tư liệu địa chí có nhiều tư liệu nghiên cứu liên quan về võ cổ truyền Bình Định đã giúp tôi có thêm nhiều thông tin trong quá trình nghiên cứu các đề tài cấp tỉnh, cấp quốc gia liên quan đến võ cổ truyền Bình Định”.
Kho tư liệu địa chí của Thư viện tỉnh lưu giữ nhiều đầu sách, tư liệu quý giá về đất và người Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Kho tư liệu địa chí của Thư viện tỉnh hiện lưu giữ hơn 3.000 đầu sách, tài liệu về di sản văn hóa, như: Văn hóa Champa, phong trào Tây Sơn và vương triều Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định, nghệ thuật hát bội, bài chòi của Bình Định… còn có hơn 7.600 bài trích địa chí số hóa để phục vụ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu về Bình Định.
Ông Hoàng Bình, Phó trưởng Phòng Thông tin tư liệu (Thư viện tỉnh), cho biết: “Ngoài các đầu sách, tư liệu của các nhà nghiên cứu, chúng tôi còn sưu tầm các tư liệu tiếng Pháp được dịch từ các Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội… liên quan đến ngành nghề, làng nghề, vùng đất Quy Nhơn - Bình Định xưa kia, cảng Quy Nhơn xưa… để cung cấp cho bạn đọc. Thư viện tỉnh đang tiến hành số hóa kho tư liệu địa chí và đã số hóa gần 600 tài liệu liên quan chữ quốc ngữ in tại nhà in Làng Sông, nhà in Quy Nhơn, cùng nhiều tài liệu khác…”.
Kho tư liệu địa chí của Thư viện tỉnh là kho sách, tài liệu địa chí mang tính tổng hợp, lưu giữ những thông tin về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… của tỉnh Bình Định từ xưa đến nay, nhằm cung cấp một cách có hệ thống cho bạn đọc, những người nghiên cứu nguồn tư liệu khi tìm hiểu về Bình Định. Song, việc mua sách, tư liệu để bổ sung còn nhiều vướng mắc, ông Trần Xuân Nhất, Phó giám đốc Thư viện tỉnh, tâm tình: “Có nhiều nhà nghiên cứu là người địa phương, họ viết sách mang tính nghiên cứu, chứ không kinh doanh, Thư viện tỉnh muốn mua sách của họ để bổ sung vào kho tư liệu địa chí lại vướng chuyện viết hóa đơn theo quy định nên gặp nhiều khó khăn”.
NGỌC NHUẬN