Ðại võ sư - Nghệ nhân nhân dân Lê Xuân Cảnh: “Tôi muốn trao truyền hết những gì mình biết”!
Trước căn nhà nhỏ ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) có khoảnh sân tập võ rộng rãi. Ở đó có người thầy đã gần 80 tuổi, hằng đêm vẫn miệt mài theo dõi, hướng dẫn học trò luyện tập. Ðó là Ðại võ sư - Nghệ nhân nhân dân Lê Xuân Cảnh.
Đại võ sư - Nghệ nhân nhân dân Lê Xuân Cảnh đến với võ cổ truyền từ năm 15 tuổi, có thời gian dài theo học các thầy giỏi ở Bình Định, được truyền dạy nhiều bài binh khí đặc sắc, đặc biệt là những bài roi. Ông mở võ đường đến nay gần 45 năm, với rất nhiều thế hệ học trò, trong đó nhiều người có thành tích cao, trước sau luôn kính trọng người thầy tài đức.
Đã gần 80 tuổi, đại võ sư Lê Xuân Cảnh vẫn dành thời gian theo dõi, hướng dẫn cho học trò tập luyện vào ban đêm tại sân tập nơi vườn nhà. Ảnh: Võ đường cung cấp
Dạy võ - dạy người
* Các thế hệ học trò của thầy chia sẻ, họ càng kính trọng thầy khi kinh tế chẳng dư dả gì nhưng dạy trò từ trước đến nay đa phần đều không nhận học phí. Điều này xuất phát từ đâu, thưa thầy ?
- Trước hết, tôi đến với võ cổ truyền từ niềm đam mê, nên phải “truyền lửa” đam mê lại cho học trò. Tôi dành nhiều thời gian, công sức truyền dạy võ cổ truyền không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn mai sau. Làm việc ý nghĩa thì không nên nghĩ ngợi đến chuyện tiền bạc, tính toán thiệt hơn... Trò đam mê luyện tập mà hoàn cảnh khó khăn, người thầy càng thương hơn, truyền dạy tận tình hơn, chứ sao có thể lấy học phí.
* Trong số rất nhiều học trò được truyền dạy miễn phí, có người nào sau này đền đáp, đồng hành cùng thầy trên con đường bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện học trò sau này phải đền đáp gì cho tôi. Hiện truyền dạy chính thay tôi tại võ đường là võ sư Trần Thanh Thông (35 tuổi, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn).
Hơn 20 năm trước, Thông tìm đến xin học với mục đích rèn luyện sức khỏe vì thể trạng ốm yếu, tôi truyền dạy mà không nói gì đến học phí. Học xong tháng đầu tiên, Thông cầm một ít tiền kính cẩn gửi thầy đóng học phí, rụt rè nói con chỉ gom góp để dành được toàn tiền lẻ. Tôi không nhận mà nói “Con cất đi, sau này thầy sẽ lấy luôn”, rồi từ đó dạy hoàn toàn miễn phí.
Sau này, tôi mới được học trò “thú thật” là nhà khó khăn, nên mỗi khi đi học võ lại nói dối ba mẹ đi đá banh. Được cho ít tiền ăn sáng mỗi ngày, Thông dành lại một nửa để nộp học phí cho thầy trong tháng đầu tiên.... Càng xúc động hơn, Thông chia sẻ: Hồi nhỏ con không hiểu lời thầy nói “sau này lấy luôn” là gì, khi trưởng thành rồi mới cảm nhận rõ là “lấy tình cảm”. Từ đó, trò tận tâm góp sức hỗ trợ thầy, không ngừng nỗ lực truyền dạy, góp phần “giữ lửa” phong trào luyện tập võ cổ truyền trên đất võ An Nhơn.
Đại võ sư Lê Xuân Cảnh hướng dẫn một bài roi cho học trò là võ sư Trần Thanh Thông. Ảnh: H.THU
“Nghĩ khác” về gầy dựng phong trào
* Nhiều năm qua, võ đường Lê Xuân Cảnh đã lập các đội biểu diễn cờ người, trống hội, múa lân được mời biểu diễn không chỉ ở TX An Nhơn mà còn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Tại sao thầy lại muốn “mua việc vào người” như vậy?
- Tôi cũng thấy mình “khác người”, khi mong muốn học trò ngoài luyện tập các bài võ còn có các hoạt động khác để tạo sân chơi thiết thực, gắn kết hơn nữa giữa thầy và trò, giữa các võ sinh.
Riêng đối với đội cờ người, khi quân cờ thi đấu kết hợp biểu diễn võ thuật mang đặc trưng của võ đường, tôi nhất quyết phải làm, phải giữ. Bởi cờ người là truyền thống của An Nhơn từ xưa; khôi phục lại để gìn giữ cũng không đơn giản, thầy trò tôi động viên nhau cùng nỗ lực. Mỗi khi phục vụ vào các dịp lễ hội, tết, thầy trò phải tập luyện lại nhiều ngày mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
* Tinh thần phục vụ là chính, nhưng các hoạt động này ít nhiều cũng mang lại thu nhập cho thầy và trò đó chứ!
- Nhắc đến việc này, tôi lại thấy thương học trò đã luôn theo thầy, cảm ơn sự ủng hộ của phụ huynh võ sinh. Hoạt động biểu diễn của võ đường trên tinh thần phục vụ là chính, góp phần quảng bá võ cổ truyền. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ, bồi dưỡng của các địa phương, đơn vị; nhưng trừ chi phí ra chẳng còn bao nhiêu so với công tập luyện, biểu diễn vất vả.
Tôi không nhận phần bồi dưỡng này, mà để chia đều cho học trò. Học trò hay nhắc, có lần mấy chục võ sinh đi biểu diễn xong, chỉ còn dư ít tiền về uống nước, vậy mà vẫn dành một ít mua một gói thuốc về biếu thầy. Thế là bị tôi rầy la, nhắc nhở không cần làm thế.
* Võ đường Lê Xuân Cảnh là một trong những võ đường tiêu biểu của tỉnh được chọn phục vụ khách du lịch; nguồn thu từ hoạt động này ắt hẳn cũng phần nào giúp võ đường đỡ chật vật, thưa thầy?
- Võ đường luôn nỗ lực huy động lực lượng phục vụ cho du khách, chủ yếu hướng đến góp phần quảng bá võ cổ truyền, chứ không coi đây là hình thức “làm kinh tế”, cũng chưa bao giờ đặt vấn đề đòi hỏi thù lao trước khi biểu diễn.
Tất nhiên, nguồn thu từ sự ủng hộ của các công ty du lịch, đoàn du khách giúp võ sinh có khoản bồi dưỡng, võ đường có thêm điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện. Nhưng các đoàn khách đến thời gian qua còn ít, chúng tôi mong hoạt động biểu diễn võ thuật cho du khách sẽ khởi sắc để võ cổ truyền đóng góp nhiều hơn vào phát triển du lịch địa phương.
Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ một chuyện đáng suy ngẫm. Có lần, một công ty du lịch đưa đoàn khách đến tham quan võ đường, thưởng thức nhiều tiết mục của võ sinh. Biểu diễn xong, thầy trò chúng tôi ngỡ ngàng, không kịp ngăn lại khi có một người trong công ty này lấy mũ đi một vòng xin tiền du khách ủng hộ, kiểu như “sơn đông mãi võ” ngoài đường. Thà nói trước, chúng tôi sẵn sàng biểu diễn miễn phí, chứ không nên làm việc phản cảm như vậy, ảnh hưởng đến hình ảnh võ cổ truyền Bình Định. Từ đó, võ đường chúng tôi không cộng tác với công ty du lịch này nữa.
Tuổi cao trăn trở càng nhiều...
* Đã gần ở tuổi bát thập, đâu là “nguồn năng lượng” để thầy vẫn tích cực đóng góp cho võ cổ truyền Bình Định?
- Thực sự sức khỏe tôi đã yếu dần theo thời gian, có lúc đau bệnh dài ngày. Cũng may, ngoài võ sư Trần Thanh Thông, võ đường còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ một học trò khác là võ sư Hồ Thị Nữ Phúc (giáo viên ở phường Bình Định, TX An Nhơn) - người nhiều năm luyện tập, truyền dạy karate, sau đó mới học võ cổ truyền. Tôi vẫn cố gắng đều đặn ra sân tập theo dõi võ sinh, vừa khuyến khích vừa kịp thời nhắc nhở học trò nỗ lực tập luyện tốt hơn. Còn các hoạt động khác liên quan đến võ cổ truyền ở thị xã, tỉnh, khi nào cần thì tôi mới có mặt.
* Cả đời tận tâm cống hiến cho võ cổ truyền, đến giờ này, điều gì khiến thầy còn suy nghĩ, trăn trở?
- Tôi vẫn trăn trở làm thế nào thu hút võ sinh tập luyện võ cổ truyền nhiều hơn trong khi các cháu có nhiều lựa chọn khác, để thế hệ trẻ biết được giá trị truyền thống văn hóa - lịch sử của võ cổ truyền Bình Định, từ đó tiếp nối gìn giữ trong ý thức tự hào đất võ quê hương mình.
Luyện tập võ cổ truyền ở nhiều võ đường chủ yếu quan tâm tập trung cho các bài võ, kỹ thuật phục vụ thi đấu ở các giải đấu, hướng đến đoạt thành tích cao. Trong khi nhiều bài võ, đòn thế đặc sắc khác của võ cổ truyền Bình Định không được truyền dạy, tập luyện, nên dần mai một. Điều này cũng khiến tôi trăn trở, lo lắng.
Tôi đang ở giai đoạn cuối cuộc đời, nhưng việc truyền dạy vẫn không ngừng nghỉ, tiếp tục trao truyền lại hết những gì mình biết, định hướng và động viên học trò tập luyện thêm nhiều bài võ đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định.
* Xin cảm ơn thầy. Chúc thầy có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến, làm chỗ dựa vững chắc cho võ đường ngày càng phát triển!
HOÀI THU (Thực hiện)