Thảo luận tại tổ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
(BĐ) - Ngày 9.6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Phát biểu tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh, Phó Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định nêu quan điểm: Luật đất đai là đạo luật có liên quan đến nhiều luật khác. Hiện nay, Quốc hội đang xem xét sửa đổi, hoàn thiện nhiều dự thảo Luật như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Hợp tác xã… Do đó, đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, cần rà soát để có sự thống nhất với các luật liên quan.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
ĐB Hạnh nêu một số dẫn chứng như: quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án bất động sản tại khoản 1, Điều 46 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện chưa thống nhất với Điều 41 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Một ví dụ nữa là dự thảo Luật Hợp tác xã trình tại kỳ họp này có quy định về loại hình đất cho các tổ chức kinh tế tập thể nhưng tại khoản 2, Điều 65 dự thảo Luật đất đai chưa quy định loại hình này.
Góp ý về Chương V, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo ĐB, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là hai nội dung khác nhau. Trong đó quy hoạch sử dụng đất là phân bổ và khoanh định đất đai cho các mục tiêu phát triển. Còn kế hoạch sử dụng đất là phân kỳ thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền, ĐB Hạnh đề nghị nếu cần thiết thì có thể thiết kế thành hai chương riêng để quy định cụ thể cho từng nội dung.
Về kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp huyện, ĐB Hạnh cho biết, khi lấy ý kiến góp ý dự thảo luật, nhiều ĐB ở địa phương cho rằng việc quy định hằng năm cấp huyện phải lập kế hoạch sử dụng đất, điều này sẽ khó cập nhật kịp thời nhu cầu sử dụng đất, kể cả nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho đầu tư công và nhu cầu sử dụng đất của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đồng thời gây áp lực lớn cho địa phương.
“Chúng tôi cũng đi tìm hiểu, kể cả qua tiếp xúc cử tri thì thấy các địa phương rất là khó, tốn rất nhiều thời gian cho việc hằng năm cứ phải loay hoay xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Có ĐB phản ánh, ở cấp huyện ngay từ tháng 6 là đã phải chuẩn bị cho việc rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất, dù đất đai không có biến động, thay đổi nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng đến người dân khi có yêu cầu thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hàng năm cũng có liên quan đến hoạt động của các DN, tiền thuế… và cũng cần có nhân lực để thực hiện” - ĐB nêu ý kiến.
Do đó, ĐB Hạnh đề nghị điều chỉnh thời gian lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm thành 5 năm và có quy định việc UBND tổng hợp trình HĐND quyết định điều chỉnh nếu có biến động lớn theo thẩm quyền.
ĐB Hạnh cũng quan tâm và kiến nghị xác định rõ hơn nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại Điều 90 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vì hiện trong dự thảo luật vẫn còn nhiều quy định giao Chính phủ; trong đó có những quy định vẫn còn mang tính định tính. Ví dụ, theo khoản 7, Điều 158 dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết về định giá đất cụ thể; quy định này định tính nên sẽ khó trong quá trình thực hiện. ĐB đề nghị nên có các quy định rõ về vấn đề này, đồng thời nên lấy thêm ý kiến ở các địa phương.
ĐB Hạnh cũng đề nghị xem xét cần có phương án hoặc các quy định pháp luật phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân sống ở những vùng giáp ranh bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các dự án nhưng không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ.
Về nội dung sử dụng đất đa mục đích tại Điều 216 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Hạnh kiến nghị cần xem xét kỹ quy định cho phép sử dụng đa mục đích đối với các dự án điện năng lượng tái tạo, trong đó cần chú ý các quy định, quy chuẩn đảm bảo an toàn và hiệu quả khi cho phép sử dụng đa mục đích đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.
Cùng tham gia góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Cảnh góp ý nội dung liên quan tới nội dung đất đai sử dụng đa mục đích. ĐB Cảnh đề nghị bổ sung thêm quy định về đất thương mại, dịch vụ kết hợp với thể thao để tạo điều kiện cho các DN có thể có hoạt động thể thao; đặc biệt là các khu du lịch.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
ĐB Cảnh cũng cho biết: “Hiện tại quy định đất để làm các hoạt động thể thao thì thường phải có công trình thể thao mà công trình thể thao để được xác nhận thì rất khó. Bởi vì phải cần có huấn luyện viên, đội ngũ mà phải được đào tạo chuyên nghiệp thì DN khó tuyển đủ”.
Bên cạnh đó, ĐB Cảnh đề nghị cũng cần phải có chính sách ưu đãi về đất khi các DN sử dụng đất thể thao ở trong đất dịch vụ và thương mại, cụ thể chính sách được áp dụng như ưu tiên cho đất thể thao, văn hóa. Quy định vậy sẽ khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao.
ĐB Cảnh đề nghị quy định đất hành lang an toàn đường bộ cũng là đất đa mục đích và trồng cây lâu năm như trồng rừng trên hành lang này để tăng thêm diện tích rừng hàng chục ngàn ha trong thời gian tới, cũng giúp tránh chói nắng cho các tài xế khi đi trên cao tốc ban ngày.
ĐB Cảnh cũng quan tâm đất sử dụng đa mục đích dưới tán rừng và dưới các công trình điện tái tạo. Có sự phân biệt dưới tán rừng trồng so với rừng đặc dụng hay dưới công trình điện gió khác với dưới công trình điện mặt trời.
Tham gia thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy thống nhất về Tờ trình của Chính phủ cũng như là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
ĐB Thủy thấy rằng là phần lớn nội dung đã tiếp thu các nội dung có liên quan tới người dân, lấy ý kiến toàn dân cũng như là các ngành… ĐB tham gia góp ý vào một số nội dung và điều khoản dự thảo luật liên quan về các cơ sở dữ liệu quốc gia đất đai.
ĐB Thủy cho rằng, cơ sở dữ liệu đất đai được quy định tại dự thảo Luật quy định tại các điều, khoản cụ thể như: khoản 14, Điều 21 và tại điểm đ, khoản 1, Điều 64, điểm g, khoản 1, Điều 65 và điểm đ, khoản 2, Điều 66. ĐB đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung chương riêng hoặc điều khoản riêng về quy định hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đồng thời quy định trách nhiệm cơ quan chuyên môn cập nhật theo quy trình, thời gian, tính liên tục và dữ liệu này phải là dữ liệu mở, công khai cập nhật liên tục, người dân dễ dàng tìm kiếm mà không nhầm lẫn với các nội dung khác không liên quan… Bởi hầu như ở các nước phát triển xem mức độ phát triển của một quốc gia, mỗi quy trình thay vì tiếp cận một cách riêng lẻ, các hoạt động như đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch, chia tách thửa đất hoặc định giá đất cần phải kết hợp và tích hợp vào một hệ thống quản lý đất đai.
Về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với trường hợp bị thu hồi đất quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 107, ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng là cá nhân được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ĐB Thủy cũng kiến nghị nên xem xét bổ sung quy định tại khoản 5, Điều 107 về quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân theo hướng khi Nhà nước thu hồi đất mà trường hợp người lao động không có nguyện vọng tham gia các lớp đào tạo nghề và có nguyện vọng tự học nghề thì được hỗ trợ trợ một lần bằng tiền. Mức hỗ trợ tự do do UBND cấp tỉnh quy định và kinh phí này thì được hỗ trợ tính vào phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Về quy định lựa chọn điểm tái định cư tại địa bàn khác quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 109 của dự thảo Luật, ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ và lý giải cho phù hợp vì điều này liên quan tới việc quy hoạch của tỉnh, huyện hoặc là việc sáp nhập địa giới hành chính do diện tích hoặc là quy mô và dân số… Bên cạnh đó thì hiện nay cũng chưa có hướng dẫn việc quyền lựa chọn địa bàn khác để thực hiện tái định cư.
Cuối cùng, ĐB Thủy đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đánh giá tác động đối với chính sách quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo phân loại thành hai trường hợp, đó là trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì do TAND giải quyết và trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết lần đầu thuộc về UBND cấp có thẩm quyền hoặc TAND do đương sự được lựa chọn.
• Tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự vào chiều 9.6, ĐB Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) góp ý vấn đề liên quan đến quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự.
ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Theo ĐB cần phải hết sức cân nhắc là có nên giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định. Theo quy định tại điểm b, Khoản 2 của Điều 11 của Dự án Luật giao đến Bộ trưởng quyết định hoặc là phân cấp quyết định. “Vậy thì cấp nào được phân cấp và căn cứ như thế nào để chuyển đổi mục đích sử dụng công trình đó?”, ĐB Ba đặt câu hỏi.
NGUYỄN HÂN