Sống trọn đam mê
Họ là những nữ nghệ nhân miệt mài theo đuổi nghệ thuật dân gian và sống trọn với nỗi đam mê của mình. Sau ánh đèn sân khấu là những nhọc nhằn mưu sinh vất vả giữa đời thường, nhưng họ vẫn trăn trở với mong muốn giữ gìn, trao truyền nét đẹp văn hóa cho thế hệ sau.
Hết mình với nghệ thuật
Là truyền nhân của gia đình nhiều thế hệ làm nghệ thuật, Nghệ nhân nhân dân (NNND) Minh Đức (tên thật là Nguyễn Thị Đức, SN 1951, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) lớn lên bằng tiếng hát của bà, của mẹ. Nhờ cái nôi gia đình, tình yêu với bài chòi của bà dần lớn. Đến khi trưởng thành, tài năng nở rộ, bà được nhiều người biết đến và công nhận.
NNND Minh Đức tâm sự, vì yêu những điệu hát truyền thống nên cứ ngân nga cả ngày mãi không chán. Lắm lúc vì cuộc sống khó khăn, ngỡ sẽ xa rời nghiệp hát nhưng nhớ nghề quá, bà lại trở về với những điệu hát quen thuộc. Bởi chỉ khi đó, bà mới thấy mình được sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn tất thảy.
NNƯTKim Chung (trái) luôn hết mình trong từng vai diễn. Ảnh: DƯƠNG LINH
“Giữa những bộn bề mưu sinh, người ta dễ nản lòng khi niềm đam mê không đem lại sự đủ đầy về tài chính. Còn tôi, vì hiểu rằng mình không bỏ bài chòi được nên đem cuộc đời làm thành chất liệu biểu diễn. Tôi đem những cảm xúc chân thật nhất của một góa phụ nhớ chồng, thương con thể hiện trên sân khấu. Ngay khi ấy, con người nghệ sĩ và con người đời thường của tôi như hòa làm một”, NNND Minh Đức xúc động nói.
Sống đời với nghệ thuật, các nữ nghệ nhân sẵn sàng hy sinh vì vai diễn. Với họ, không gì bất kính bằng diễn qua loa, lấy lệ. Mỗi lần bước lên sân khấu, trước sự chứng kiến của khán giả, từng bước chân, điệu hát phải chỉnh chu.
Là người duy nhất trong gia đình theo nghiệp diễn, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Chung (tên thật là Huỳnh Thị Kim Chung, SN 1969, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu tuồng với những vai diễn như: Chung Vô Diệm trong vở diễn cùng tên, Tiết Cương trong vở “Hộ sanh đàn”, lão Tạ trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”… Trong suốt sự nghiệp của mình, NNƯT Kim Chung không bao giờ quên lần biểu diễn đặc biệt nhất, khi bà đang mang thai 7 tháng.
Bà kể: “Ngày đó, vì người thầy dìu dắt tôi từ những ngày đầu ngỏ ý nên tôi đã nhận lời diễn vai Tiết Cương trong vở “Hộ sanh đàn”. Nhân vật này tay cầm búa, đầu gối hơi chùn, 2 chân dang rộng, cả bàn chân trần bám sát đất. Tôi diễn hăng say suốt 2 tiếng đồng hồ, quên đi mọi khó khăn, vất vả của người phụ nữ đang “bụng mang dạ chửa”. Đây cũng là cơ duyên để bà đặt tên cho người con trai thứ 2 của mình theo vai diễn: Tiết Cương.
Những chuyện chưa kể
Để chu toàn giữa đam mê với bổn phận gia đình, các nữ nghệ nhân đều gắng sức làm lụng, dành dụm để trang trải cuộc sống. NNƯT Kim Chung phải vừa làm ruộng, nuôi gia súc, nấu rượu… song song với biểu diễn khắp nơi.
“Ngoài là nghệ sĩ, tôi còn làm vợ, làm mẹ. Do vậy, tôi phải đảm bảo đam mê của mình không ảnh hưởng đến mái ấm, bằng cách tranh thủ làm thêm việc để dành mọi điều tốt nhất cho các con. Tôi cũng không ép các con phải nối nghiệp mà tôn trọng quyết định của con”, bà Chung chia sẻ.
NNND Minh Đức (phải) coi nghệ thuật là một phần máu thịt của mình.Ảnh: VÂN PHI
Khi họ là trụ cột gia đình, nỗi vất vả sẽ càng nhiều hơn. Chồng qua đời khi bà mới 38 tuổi, một mình NNND Minh Đức phải gánh vác 6 người con và mẹ chồng cao tuổi. Đã có lúc, khi vừa sinh được 20 ngày, bà đành gửi con nhỏ cho ngoại, đưa con gái lớn hơn cùng đi diễn. Chông chênh trên chiếc xe đạp cũ cùng đồ đạc lỉnh kỉnh, 2 mẹ con cố gắng để mong có chút tiền mang về cho bà, cho em.
“Có người nói nếu tôi không theo nghề thì sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng tôi nghĩ khác. Bài chòi là duyên lành, giúp tôi quen biết những người thầy, đồng nghiệp, học trò có cùng niềm đam mê và sẵn sàng giúp đỡ khi tôi cần chi phí điều trị chứng liệt dây thanh quản vào đầu năm nay”, bà Đức cho hay.
Dành tâm huyết cả đời cho nghệ thuật, cả 2 nữ nghệ nhân đều khao khát được truyền “lửa” cho thế hệ sau. NNƯT Kim Chung cho rằng, sở dĩ giới trẻ ít quan tâm, yêu thích các bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống bởi chưa hiểu cái hay, cái đẹp của từng câu hát, điệu bộ, sự biến hóa trong từng vai diễn. Do đó, cần cho học sinh tiếp xúc với tuồng, bài chòi… từ sớm, thông qua sinh hoạt ngoại khóa lồng ghép trong chương trình học của các em.
DƯƠNG LINH