AI và nỗi lo của các cường quốc
Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng lên tiếng cảnh báo, nước nào đi đầu về sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thì quốc gia đó sẽ thống trị thế giới. Cuộc đua trong lĩnh vực này hiện chủ yếu diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu về AI. Ngoài ra, cũng phải kể đến Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong khi chưa có nước nào thực sự chiếm ưu thế trong lĩnh vực này, một loạt vấn đề tiềm ẩn có thể nảy sinh do sự phát triển quá nhanh của AI, như: Đạo đức, tình trạng thất nghiệp, nguy cơ an ninh, sự thiếu minh bạch hay phụ thuộc vào công nghệ, khiến chính phủ các nước “đau đầu” tìm cách đối phó.
Hôm 30.5, một bức thư ngỏ của hàng trăm lãnh đạo và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ được công bố, trong đó kêu gọi lãnh đạo thế giới nên xem mối nguy cơ tiềm tàng của AI như độ nguy hiểm của dịch bệnh hay chiến tranh hạt nhân, đồng thời cảnh báo công nghệ này có thể gây ra nguy cơ “tuyệt chủng” cho nhân loại. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản) mới đây, các nguyên thủ của nhóm G7 cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giám sát AI chặt chẽ hơn, trong bối cảnh công nghệ này đang phát triển nhanh như vũ bão và tác động của AI vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Động thái này của nhóm G7 được đưa ra sau khi EU nhất trí về một đạo luật, nhằm kiểm soát những công cụ AI, như ChatGPT, DALL-E hay Midjourney cho phù hợp với quy định của EU và các quyền cơ bản. Nhiều diễn đàn quốc tế về hợp tác kiểm soát AI cũng đã diễn ra, như Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ - EU, Đối tác Toàn cầu về AI (GPAI) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trước đó, đầu tháng 5, Nhà Trắng cũng công bố dự thảo 1 đạo luật về Quyền AI liên quan đến các vấn đề về an toàn và quyền riêng tư. Mặc dù Quốc hội Mỹ chưa thông qua bất cứ luật nào về kiểm soát AI, nhưng nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy sự nghiêm túc của lãnh đạo Mỹ trong nhìn nhận nguy cơ từ AI. Sở dĩ các nhà lập pháp Mỹ còn chần chừ vì một số lo ngại quy định về AI sẽ gây ra hậu quả về địa chính trị. Một cuộc khảo sát gần đây do hãng tin Reuters tiến hành tại Mỹ cho thấy, hơn 2/3 người Mỹ được hỏi bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của AI và 61% tin rằng AI có thể đe dọa nền văn minh.
Ảnh: codingdojo
So với Mỹ, Trung Quốc có vẻ đang “mạnh tay” hơn trong cuộc đua về quy định kiểm soát AI. Bắc Kinh gần đây đã công bố dự luật với các quy định chặt chẽ về AI, vốn được xây dựng dựa trên các luật hiện hành, trong đó yêu cầu các sản phẩm AI phải trải qua quy trình đánh giá an ninh trước khi đưa vào sử dụng. Theo dự luật này, các sản phẩm AI sẽ phải phản ánh “những giá trị chủ nghĩa xã hội cốt lõi” và không được “chứa nội dung gây tổn hại đến quyền lực quốc gia”. Trong cuộc họp với Ủy ban An ninh Quốc gia mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu tăng cường hoạt động quản trị an ninh dữ liệu mạng và AI. Quốc gia này từng tuyên bố kế hoạch tham vọng dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030. Công ty tư vấn quản lý và chiến lược Mc Kinsey ước tính, nếu thành hiện thực, lĩnh vực này có thể bổ sung cho GDP của Trung Quốc đến 600 tỷ USD/năm.
Rõ ràng, quy định nhằm kiểm soát nguy cơ AI gây hại rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật quản lý AI ngày càng đối lập với hiện trạng là công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ và có tác động nhanh hơn phản ứng của chính quyền. Điều này đặt ra câu hỏi, không chỉ cho Mỹ, mà còn cả những nước khác, là liệu chính phủ có đủ khả năng kiểm soát AI hiệu quả hay không. Làm được điều này chính là then chốt để dẫn đầu trong vấn đề hợp tác quốc tế về quản lý và phát triển AI.
LÊ QUẢNG (theo The Guardian, Brookings)