Những sắc phong độc đáo ở đình làng An Cửu
Tại đình làng An Cửu, ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước hiện có 5 đạo sắc phong thần của các vua triều Nguyễn được dân làng nơi đây thờ tự, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Qua các sắc phong thần lưu giữ tại đình, có thể biết được địa danh và đơn vị hành chính làng An Cửu ngày xưa, cùng với tín ngưỡng của người dân địa phương thưở xa xưa.
Các vị thần phù hộ cho nước, che chở cho dân
Người dân ở thôn An Cửu hiện nay không ai biết rõ đình làng An Cửu được tạo lập từ khi nào, chỉ biết rằng trải qua thời gian, ngôi đình bị tàn phá, hư hỏng, dân làng nhiều lần dựng lại; riêng hai trụ biểu ở nghi môn được điêu khắc, khảm mẻ độc đáo vẫn còn giữ khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa. Năm 2004, người dân tự góp kinh phí trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình và nghi môn phía Tây bị hư hại do chiến tranh.
Đình làng An Cửu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đình làng An Cửu hiện lưu giữ 5 sắc phong thần của các vua triều Nguyễn, gồm: Thành Thái (2 sắc), Duy Tân (2 sắc), Khải Định (1 sắc) đều hợp phong cho các vị thần, gồm: Thái giám Bạch mã tôn thần và Thành hoàng bổn cảnh, chuẩn y cho dân làng phụng thờ theo tín ngưỡng tâm linh.
Nhờ được bảo vệ cẩn thận, 5 sắc phong ở đình làng An Cửu hiện vẫn còn nguyên vẹn. Dân làng cũng cho sao chụp lại 5 bản sắc treo trưng bày trong đình để phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.
Cụ thể, 2 sắc phong của vua Thành Thái ban ngày 20.2 năm Thành Thái thứ 2 (1890) có nội dung tạm dịch: “Sắc ban cho thôn An Cửu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thờ phụng các vị thần: Thái giám Bạch mã tôn thần, Thành hoàng bản cảnh chi thần. Nay Trẫm nhận mệnh lớn của trời, tưởng nhớ tới công ơn của thần, nên phong tặng thần Thái giám Bạch mã tôn thần danh hiệu, mỹ hiệu: Cấm vũ, Bảo chương, Kiến thuận, Hòa nhu, Hàm quang, Dực bảo Trung hưng Thái giám Bạch mã thượng đẳng thần; phong tặng Bản cảnh thành hoàng mỹ hiệu Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn cho phụng thờ các thần như cũ. Các thần hãy phù hộ, che chở cho dân lành của Trẫm. Hãy kính theo!”.
2 đạo sắc của vua Duy Tân ban ngày 11.8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), tạm dịch: “Sắc ban cho thôn An Cửu, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định theo lệ trước mà phụng sự Dương uy, Ngự vũ, Bảo chương, Kiến thuận, Hòa nhu, Hàm quang, Dực bảo Trung hưng Thái giám Bạch mã thượng đẳng thần; Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh thành hoàng chi thần. Nay vào niên hiệu Duy Tân thứ nhất, làm lễ đăng quang, đã ban chiếu báu, mở rộng ân điển, theo lễ thường có thăng thêm phẩm trật phụng thờ thần như trước, để ghi nhớ ngày đại lễ quốc gia và nối tiếp điển thờ. Hãy kính theo!”.
Sắc phong còn lại của vua Khải Định ban sắc nhân lễ tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi) của vua vào ngày 25.7 năm Khải Định thứ 9 (1924), tạm dịch: “Sắc ban cho thôn An Cửu, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trước đây đã phụng thờ thần nguyên đã được phong tặng: Dương uy, Vệ vũ, Bảo chương, Kiến thuận, Hòa nhu, Hàm quang, Dực bảo Trung hưng Thái giám Bạch mã thượng đẳng thần; Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh thành hoàng chi thần. Các thần đã có công phò dân giúp nước rất linh ứng, các dịp lễ tiết đều được ban sắc phong cho phép được thờ phụng. Nay nhân lễ tứ tuần đại khánh của Trẫm, ban chiếu báu thi ân, long trọng thăng trật, cho phép để ghi nhớ ngày quốc khánh mà tỏ rõ điển lệ thờ phụng như cũ. Hãy kính theo!”.
Gìn giữ báu vật của làng
Cụ Lê Văn Châu, 83 tuổi, ở thôn An Cửu, cho biết: “5 sắc phong thần của các vua triều Nguyễn do dòng họ Lê ở đây gìn giữ trong những năm tháng chiến tranh. Sau năm 1975, được giao cho ông Đặng Giáo - người thủ sắc đình làng gìn giữ, ông Giáo mất giao lại cho con là ông Đặng Hoàng Tiên giữ cho đến nay. Theo lệ mỗi năm đến tiết Thanh minh, dân làng tổ chức đầy đủ lễ nghi đến nhà ông Tiên rước sắc về đình tổ chức tế tự, sau đó đưa sắc về lại nhà ông Tiên để cất giữ, bảo quản. Năm nay, ông Tiên cũng đã 83 tuổi, bị bệnh nặng, dân làng đang tìm người uy tín để tiếp tục thủ sắc”.
TS Võ Minh Hải - Phó trưởng khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn), cho biết: “Lâu nay nhiều người hay hiểu tôn hiệu Thái giám Bạch mã tôn thần là con ngựa - vật cưỡi của Bản cảnh thành hoàng là không đúng. Đây là tôn hiệu của một vị thần có tên trong thần phổ. Vị thần này có tôn hiệu đứng trên Bổn cảnh thần hoàng trong các sắc phong triều Nguyễn. Ngoài hai vị thần này, triều Nguyễn còn sắc phong danh hiệu, mỹ hiệu cho nhiều vị thần khác, như: Cao Các tôn thần, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần... Từ thời vua Đồng Khánh - tức thời kỳ trung hưng trở về sau, các vua nhà Nguyễn phong sắc thần chia thành 3 cấp hàm: Hạ đẳng thần, trung đẳng thần và thượng đẳng thần, tương ứng với việc thờ cúng, tế lễ theo cấp sắc phong thần do triều đình quy định”.
5 đạo sắc phong thần là những tư liệu di sản Hán - Nôm, là những cổ vật đặc biệt quý giá phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung. Do vậy, có lẽ chính quyền địa phương, cũng như ngành văn hóa nên tính toán đến giải pháp bảo vệ xứng đáng cũng như phát huy giá trị các sắc phong trong đời sống thực tế.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN