Mả Ông Ầm hay là tục thờ đá
Theo Robert Ture Olov Janse - một nhà khảo cổ học người Thụy Điển, người đã thực hiện dự án khai quật khảo cổ học tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1935 đến 1939 - tục thờ đá xuất phát từ quan niệm thờ thần Hemmes của Hy Lạp - tương ứng với thần Mercure của La Mã. Đây là vị thần bảo trợ thương mại và kẻ lữ hành thường được hình tượng bằng một đống đá.
Hiện nay, dưới chân đèo Bonhomme phần đất của nước Pháp trên dãy Mont Blane có đống đá gọi là Plan des Dames, ai đi qua cũng ném một hòn vào đấy để cầu vị thần, con tinh của đèo ban phúc. Vùng Tây Tạng có những lhatho, nơi ở của thần núi là một đống đá nơi đỉnh đèo. Thổ dân da đỏ ở Nam Mỹ vẫn còn có những apacheta, một vật linh huaca cũng là đống đá trên đỉnh đèo, dọc đường đi mỗi lữ khách ghé lại bỏ thêm vào đấy một hòn đá mang theo.
Ở Việt Nam để minh chứng cho thuyết Đông Sơn, O. Janse cũng đã ghi nhận ở Thanh Hóa các bà đi chợ còn giữ tục bỏ hòn đá lên đống có sẵn để cầu xin mua may bán đắt, sau đó có lễ tạ. Người Chăm thờ thần Po Yan Dari cũng là những đống đá hình dạng đặc biệt được sắp xếp kỹ lưỡng. Tín ngưỡng thờ đá ở Việt Nam còn tồn tại trong đời sống văn hóa của các tộc người, địa phương mà nếu để ý sẽ dễ dàng tìm thấy.
Với những gì còn lại cho đến nay, nếu khai thác, phát huy tốt Mả Ông Ầm sẽ là một điểm đến văn hóa thú vị. Ảnh: N.D
2.
Trở lại với đụn đá lớn trên đỉnh đèo Trung Lương người viết muốn góp phần làm rõ: Vậy thì đó là một ngôi mộ, hay là một dấu tích tục thờ đá của người xưa? Kết quả khảo sát từ những người dân sống tại địa bàn khu phố Trung Lương (thị trấn Cát Tiến) và thôn Vĩnh Hội, thôn Tân Thanh (xã Cát Hải) về đống đá này cho thấy tựu trung có 3 câu chuyện.
Theo câu chuyện thứ nhất thì đây là ngôi mộ vô chủ của một người ăn mày như dân gian truyền tụng. Những năm cuối thế kỷ XX về trước, các thôn Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh (xã Cát Chánh) và thôn Chánh Oai, Tân Thắng (xã Cát Khánh) là vùng vô cùng khó khăn. Vậy thử hỏi, một nơi nghèo khổ như thế này liệu có hấp dẫn bước chân ăn mày đến tìm vận may bố thí. Còn nếu đây là người ăn xin ở địa phương thì rất khó trở thành vô chủ. Mặt khác, hằng năm vào dịp cúng Thanh Minh cũng không ai tu tảo và hương khói ngôi mộ này. Như vậy có thể thấy ngay rằng giả thuyết này thiếu thuyết phục!
Câu chuyện thứ hai thì đây là mả Ông Năm. Lần theo câu chuyện, tác giả đến khu phố Trung Lương (Cát Tiến) và thôn Vĩnh Hội, thôn Tân Thanh (Cát Hải) nhằm mục đích tìm thân tộc hoặc người liên quan ngôi mộ Ông Năm. Hỏi thăm các gia đình, đặc biệt những người già (từ 60 tuổi trở lên) thì không có ai biết ông Năm thuộc dòng tộc nào và cũng không một người liên quan, hay biết rõ về ngôi mộ này, mà họ chỉ trả lời chung chung là nghe mang máng “mả ông Ầm, hay ông Năm gì đó”. Đây là một câu chuyện cực kỳ mơ hồ đến cả người dân địa phương cũng không nhớ được đường nét chính nên tính thuyết phục cũng không cao.
Câu chuyện ba đây là mả Ông Ầm. Ông Ầm trong dân gian Bình Định là một trong ba quân bài của bộ bài chòi 30 lá. Bộ bài này gồm ba pho: pho sách, pho văn, pho vạn. Mỗi pho có 9 lá bài, tổng cộng ba pho là 27 con bài, người ta thêm vào 3 lá yêu nữa là Lão, Thang, Chi để đủ 30 lá bài. Lão gọi là Ông Ầm, Thang gọi là Thái Tử, Chi gọi là Bạch Huê. Trong bài chòi, Ông Ầm là sấm trời được thể hiện trong nhiều lời hô câu thai, đơn cử là “Vai mang bị bạc kè kè/ Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm (Ông Ầm)”.
Trong tâm thức của người Bình Định thì Ông Ầm luôn mang ký hiệu với hàm biểu: già dặn, lớn tuổi, có sức mạnh. Còn nói về mả Ông Ầm, người dân quanh vùng thường kể gắn với câu chuyện linh thiêng cho bất kỳ ai mỗi khi mang vác nặng vượt qua đỉnh đèo đá dăm và cát nóng Trung Lương thì đọc câu: “đau vai, mỏi cổ tôi đổ hết cho ông Ầm”, vừa nói vừa ném cục đá lên đống đá thì mọi sự nặng nhọc, mỏi mệt hầu như biến mất. Có lẽ đó cũng là một giải pháp thắng lợi tinh thần và cứ như vậy mà đống đá mỗi ngày một cao và to ra. Đến khi mở con đường ven biển lưu thông qua ba đèo gió cát, từ đó đống đá giữ nguyên hình trạng đến ngày nay.
Kết hợp về quan niệm Ông Ầm trong trò chơi bài chòi dân gian của người dân Bình Định ngày xưa và mả Ông Ầm ở đỉnh đèo Trung Lương với truyền thuyết lời khấn cầu linh nghiệm, có thể thấy ngay rằng, đây là câu chuyện có tính khoa học thực chứng và mô tả so sánh, mang ý nghĩa sức mạnh tinh thần trong tục thờ đá của người xưa.
***
Hiện nay đống đá này vẫn còn nằm nguyên chỗ cũ, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ mai một, lãng quên, bởi phép thắng lợi tinh thần nay không còn ứng nghiệm nữa. Ngoài ra, nó rất dễ bị xâm chiếm và biến mất khi thuộc khu quy hoạch nào đó. Rất mong trước khi khẳng định với đầy đủ các luận cứ khoa học đây là dấu tích tục thờ đá của người xưa, chính quyền các cấp, các ngành liên quan nên quan tâm bảo vệ, gìn giữ. Những dấu tích của tục thờ đá trên thế giới hiện nay còn lại không nhiều, ở những quốc gia còn tồn tại chúng đều được bảo tồn nghiêm cẩn, được xem là di tích văn hóa có giá trị cao.
Trên thế giới, tục thờ đá đã có từ lâu đời và đến nay vẫn còn lưu lại các dấu tích. Ðây là tín ngưỡng dân gian phổ biến ở nhiều dân tộc, chúng có tính toàn cầu. Trên đỉnh đèo Trung Lương ở vị trí giáp ranh giữa khu phố Trung Lương (thị trấn Cát Tiến) và thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải) thuộc huyện Phù Cát, có một đụn đá rất lớn, đó là một ngôi mộ, hay là một dấu tích tục thờ đá của người xưa?
NGUYỄN DỰ