Nghĩ từ những mỹ tục mới ở Tuy Phước
Hằng năm ở thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước chính quyền và người dân địa phương cùng nhau tổ chức tết Trung thu rất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất tỉnh ta. Nói nó lớn không chỉ vì quy mô, số lượng người tham gia, mà nhiều hơn còn bởi ở chỗ nó thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của người lớn trong những ngày này. Ai từng đến UBND xã Phước Lộc những ngày này mới thấy, tầm đó dường như mọi thứ đều dồn vào một việc “tổ chức Trung Thu và chăm sóc trẻ em”. Cá nhân người viết tin chắc rằng không ở đâu tại tỉnh Bình Định người ta chăm lo Trung Thu cho trẻ con như ở Phước Lộc. Và điều này đã trở thành mỹ tục - nét đẹp văn hóa hiện đại của vùng quê Tuy Phước này.
Chưa có thâm niên như tết Trung thu và cũng chỉ diễn ra trong mấy năm gần đây Hội Thọ Xuân của thôn Vĩnh Hy cũng được rất nhiều người chú ý. Về hình thức, Hội Thọ Xuân chính là lễ chúc thọ cho người cao niên kỷ đã vào ngưỡng tuổi được cộng đồng dân cư Vĩnh Hy chúc mừng, tôn vinh - 70 tuổi, và hội thọ này thường diễn ra vào dịp sau ngày ông Táo về trời. Nói như vậy để hiểu rằng đây là ngày hội của cả cộng đồng dân cư Vĩnh Hy chứ không riêng gì những gia đình có các cụ được chúc thọ. Đến nay, đây vẫn là địa phương duy nhất ở tỉnh Bình Định tổ chức ngày hội này.
Mừng thọ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con cháu với ông, bà, cha, mẹ. Đây là hoạt động thiết thực nhằm động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, là tấm gương để giáo dục con cháu. Ở Vĩnh Hy, niềm vui của các cụ như được nhân lên không chỉ ở quà mừng thọ, không chỉ ở chỗ được vinh danh tại ngày hội, mà hơn thế, từ ngày có Hội Thọ Xuân, quanh năm người cao tuổi ở đây được yêu thương, trân trọng hơn.
Hội Thọ Xuân của Vĩnh Hy tổ chức vào thời điểm bận rộn nhất trong năm - cuối tháng Chạp nhưng người dân trong thôn sẵn lòng dành thời gian cho các cụ. Và đây đã là ngày hội lớn, khiến cả những người xa quê cũng sắp xếp về tham dự. Có thể nói cũng như tết Trung Thu, Hội Thọ Xuân đã thành một nét văn hóa mới ở Tuy Phước.
Đến đây người viết bài lại có một băn khoăn, vậy thì tại sao ta chỉ mỗi một Vĩnh Hy nối dài nét đẹp từ trong truyền thống ra đến đời sống hiện đại như vậy? Và tại sao ta không phát triển những ngày hội này thành những sự kiện văn hóa độc đáo, ví dụ là có thể phát huy vào lĩnh vực du lịch chẳng hạn. Vĩnh Hy và rất gần với nơi này có nhiều làng sản xuất đồ đan đát, mây tre, có thể tính đến việc sản xuất lồng đèn, đồ chơi và cho du khách trải nghiệm làng nghề, tự mình làm đèn để dự Tết được không? Khách phương xa cũng có thể đưa ông bà cha mẹ mình đến dự Hội Thọ Xuân của Vĩnh Hy quá đi chứ! Với lòng yêu thương, trân trọng các cụ già ắt là ngày hội của Vĩnh Hy sẽ còn đẹp hơn khi mở rộng vòng tay đón các cụ du khách.
BÁ PHÙNG