ĐBQH tỉnh góp ý về hai dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
(BĐ) - Sáng 10.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận tổ về hai dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi),
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh có nhiều góp ý về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại Khoản 3 Điều 9 về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, Đại biểu Cảnh góp ý cần có quy định khác nhau đối với thiết bị lắp đặt trên phần đất của doanh nghiệp so với thiết bị viễn thông gắn trên công trình thuê gắn trên nhà dân.
Đối với Điều 25 về từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông, có quy định doanh nghiệp viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp cụ thể, trong đó có “Việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế - kỹ thuật”. Đại biểu để nghị cần có điều chỉnh để đảm bảo quyền sử dụng dịch vụ của khách hàng được duy trì liên tục để đảm bảo quyền lợi của người dùng dịch vụ viễn thông.
Tại Điều 26 của dự thảo Luật, quy định doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng các điều kiện. Đại biểu đề nghị xem xét nội có cơ chế giải quyết vấn đề này, như: Doanh nghiệp viễn thông khác góp vốn hoặc mua lại doanh nghiệp không còn khả năng hoặc nhà nước có trách nhiệm quản lý để đảm bảo hoạt động viễn thông vì lợi ích của người dùng và xã hội.
Ở Khoản 1 Điều 28, có nội dung quy định “dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số liên lạc khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm dịch vụ viễn thông khẩn cấp là tự chọn cho khách hàng thông qua việc bấm nút cấp cứu trên các phương tiện, trong nhà riêng mà không cần bấm số trong các trường hợp nguy cấp.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba phát biểu thảo luận. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Góp ý về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 15, định hướng cần rà soát, hoàn thiện pháp luật để phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin. Cùng với đó, phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Vì thế, ĐB đề nghị cần rà soát dự thảo luật Luật Viễn thông (sửa đổi) với các luật liên quan như luật Công nghệ thông tin, luật Cạnh tranh, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo luật Giá (sửa đổi) ,… để đảm bảo tính thống nhất. Đại biểu cũng đưa ra dẫn chứng giữa dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) với Luật Công nghệ thông tin chưa thống nhất quy định về dịch vụ điện toán đám mây.
Góp ý về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), theo đại biểu Ba, một trong những lý do đổi tên là do trong dự thảo Luật có điều khoản quy định mới về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (người gốc Việt Nam).
Đại biểu cho rằng không nên đổi tên, dự thảo Luật vẫn có những quy định để cấp giấy chứng nhận căn cước cho các đối tượng là người gốc Việt Nam theo quy định. Như vậy, vẫn đạt được mục đích mở rộng và quản lý đối tượng người gốc Việt Nam, đồng thời cũng không làm thay đổi lớn từ việc đổi tên luật dẫn đến phải có nhiều điều chỉnh liên quan.
Về vấn đề tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, theo đại biểu Ba, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý và hệ thống dữ liệu. Trong dự thảo Luật, có các nội dung quy định khai thác thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được thực hiện bằng các phương thức, đây có thể là bước tiến mới để ứng dụng cổng thông tin vào quản lý. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Khi tích hợp thông tin vào căn cước, đại biểu Ba đề nghị cần phải đánh giá kỹ hơn về tác động đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các bộ, theo hướng nếu có sự giao thoa, chồng lấn thì xử lý. Chẳng hạn, nếu như cấp căn cước có tích hợp đầy đủ các thông tin về cá nhân, trong đó có giấy khai sinh… thì có nên quy về một đầu mối để quản lý các thông tin về đăng ký khai sinh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cả căn cước.
Theo đại biểu Ba, định danh điện tử, căn cước điện tử là điểm mới trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cần lường trước những khó khăn khi triển khai, đồng thời, nên cân nhắc về việc có nên thực hiện đồng loạt hay thực hiện từng bước định danh điện tử, căn cước điện tử.
HOÀI THU