Nhà vệ sinh trong trường học: Nỗi lo lớn từ chuyện… không nhỏ! - Kỳ 1
LTS: Nhà vệ sinh dành cho học sinh trong các trường học dù đã được xây, sửa nhiều hơn, nhưng vẫn chưa đảm bảo theo quy định và đáp ứng nhu cầu sử dụng hằng ngày của học sinh; dễ để lại hậu quả nghiêm trọng. Ðể làm rõ hơn vấn đề này, Báo Bình Ðịnh thực hiện chuyên đề “Nhà vệ sinh trong trường học: Nỗi lo lớn từ chuyện… không nhỏ!”, với mong muốn vấn đề nhà vệ sinh trong trường học sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng.
Kỳ 1: Nhà vệ sinh thiếu, bẩn và học sinh lãnh đủ
Nhiều cái khó đã được viện dẫn cho tình trạng nhà vệ sinh trong trường học chưa đảm bảo về diện tích, quy mô lẫn chất lượng. Tình trạng này dẫn đến việc các em ngại tìm đến nhà vệ sinh, gây ra nhiều tác hại trước mắt cũng như lâu dài.
Không đảm bảo diện tích và quy mô
Theo báo cáo số 940/BC-SGDĐT của Sở GD&ĐT ngày 26.5.2020 về thực trạng nhà vệ sinh (NVS) trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ trường, điểm trường mầm non có nhà vệ sinh là 94,5% (735/777 trường, điểm trường); tỷ lệ này ở bậc tiểu học là 85,7% (464/541 trường, điểm trường); hai bậc THCS và THPT đã phủ kín 100% NVS cho các trường.
Sở GD&ĐT đánh giá, dù tỷ lệ trường có NVS khá cao, nhưng vẫn phổ biến trình trạng không đảm bảo định mức về diện tích và quy mô theo quy định. Văn bản hiện hành ngành GD&ĐT tỉnh đang làm căn cứ triển khai áp dụng là Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo đó, ở bậc mầm non thì khu vệ sinh xây khép kín với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; bố trí từ 2 - 3 tiểu treo dùng cho trẻ trai (hoặc máng tiểu có chiều dài tối thiểu 2 m) và từ 2 - 3 xí bệt dùng cho trẻ gái. Khu vực rửa tay của trẻ được bố trí riêng, với tiêu chuẩn 8 trẻ/chậu rửa.
Với bậc tiểu học, THCS, THPT thì bố trí theo các khối phòng chức năng. Phòng vệ sinh nam, nữ riêng biệt; bảo đảm cho HS khuyết tật tiếp cận sử dụng. Cụ thể, cứ 30 học sinh nam bố trí 1 tiểu treo, 1 xí và 1 chậu rửa (trường hợp làm máng tiểu thì bảo đảm chiều dài máng 0,6 m cho 30 học sinh). Còn với học sinh nữ cứ 20 học sinh bố trí 1 xí và 1 chậu rửa.
Quy định rất rõ ràng như vậy, nhưng đa số trường với bình quân từ 300 đến trên 1.000 học sinh (trong đó nhiều trường THPT của tỉnh có trên dưới 2.000 học sinh) cũng chỉ có tối đa 6 - 8 xí (chia đôi cho nam và nữ) cùng chừng ấy số lượng tiểu treo cho nam. Số lượng như vậy không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của học sinh, đặc biệt vào những lúc “cao điểm” như giờ ra chơi, ra về hoặc khi trường tổ chức hoạt động tập thể.
Theo ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, kinh phí sự nghiệp giáo dục được giao hằng năm chủ yếu tập trung chi cho con người, chiếm khoảng 82%, 18% còn lại chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Ngành GD&ĐT không được bố trí kinh phí để đầu tư, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học nên việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo theo quy định là hết sức khó khăn. Trong khi đó, công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học còn bất cập, nhất là thủ tục, hồ sơ... phải thông qua nhiều cấp để thẩm tra, phê duyệt mới được tiếp nhận, triển khai thực hiện, nên không ít nhà tài trợ nản lòng.
Ngoài ra, trong Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29.7.2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, điểm 1 của Điều 3 quy định: “Việc bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đảm bảo tài sản công được duy trì theo đúng công năng và tiêu chuẩn kỹ thuật trang bị ban đầu; không làm thay đổi công năng, quy mô của tài sản công”. Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh Phạm Minh Chấn, đây là rào cản lớn; việc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng NVS xây lâu năm, bị xuống cấp không được thay đổi gì so với hiện trạng ban đầu, nên việc sửa chữa chủ yếu chỉ sơn, quét và một số thứ lặt vặt khác.
Không có đủ xí, tiểu treo, học sinh thường phải xếp hàng chờ đến lượt.
Học sinh lãnh đủ
Không chỉ không đảm bảo về số lượng và diện tích, NVS dành cho học sinh trong nhà trường có lúc có nơi vẫn còn “nặng mùi”. “Vì NVS nằm gần cầu thang, một đôi lần dẫn con lên lớp, lúc đến cầu thang, tôi hít phải mùi nước tiểu khai ngấy, muốn ói. Cảm giác ớn lạnh khi nghĩ đến cảnh con ở bán trú, ngồi ăn trưa cùng bạn trong “bầu không khí” như vậy”, chị X.N. (ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) xót xa kể lại.
NVS trong trường học thiếu, bẩn với người lớn chỉ dừng lại ở việc lo lắng. Hậu quả nặng nề trực tiếp xảy ra với học sinh, trong đó có những em mắc bệnh về đường ruột, đường tiết niệu bắt buộc phải dùng NVS nhiều lần trong ngày. Cảm giác không thoải mái đã ngăn các em tìm đến NVS; nhiều em, nhất là học sinh nữ thường chọn cách... nhịn.
Việc nhịn tiểu tiện khi ở trường, với các em là chuyện… thường ngày. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Lê Văn Hoàng, Phó trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh), cho biết, việc nhịn tiểu về lâu dài có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Theo bác sĩ Hoàng, khi cơ thể phát ra tín hiệu muốn thải nước tiểu nhưng chúng ta nín, nhịn thì bàng quang sẽ đóng, nước tiểu tồn lưu trong thời gian dài làm sản sinh vi khuẩn, lâu ngày có thể dẫn đến một số căn bệnh như viêm đường tiết niệu, sỏi thận, viêm thận, suy thận, vỡ bàng quang khi bệnh nhân té ngã… Ngoài ra, vì nhịn tiểu lâu ngày, bàng quang căng ra, lâu ngày gây ra giãn cơ bàng quang. Dây thần kinh khi bị “trơ”, dẫn đến tình trạng són tiểu.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết, nếu thi thoảng trẻ nín tiểu thì không ảnh hưởng, nhưng nếu tình trạng trên diễn ra thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác hại. Trước hết, trẻ sẽ kém tập trung, giảm chú ý khi học tập bởi phải kìm nén nhu cầu sinh lý. Sau đó, trẻ dễ mắc các bệnh nguy hiểm.
“Trẻ nín đi tiêu, tiểu dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, đặc biệt ở học sinh nữ bởi niệu đạo của nữ giới ngắn hơn nam giới. Do đó, phụ huynh ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu tiểu rắt, tiểu buốt, thường xuyên đau bụng, đi tiểu khó khăn hoặc tiểu nhiều lần, nước tiểu màu đục, có máu thì cần đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Dũng lưu ý.
NVS được tặng phải “xếp xó”
Cuối tháng 10.2022, Hội đồng Đội Trung ương, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam tặng NVS thông minh cho một số trường ở Tây Sơn và Vân Canh. Về huyện Tây Sơn, hỏi thăm hoạt động của các NVS thông minh, chúng tôi rất bất ngờ khi được biết hầu hết đều rơi vào cảnh “trùm mền”, chưa thể hoạt động đúng như mục đích, ý nghĩa của việc tặng. Lãnh đạo các trường chia sẻ, ngày nhận NVS phấn khởi bao nhiêu thì giờ lại lo bấy nhiêu khi rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Thầy Võ Văn Ba, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học số 1 Bình Nghi cho biết, trường có 2 điểm trường với 21 lớp, 525 học sinh. Khi được tặng NVS thông minh, trường đặt tại phân hiệu ở thôn 1 có 10 lớp với 238 học sinh. “Phân hiệu này có NVS đã xây hơn 20 năm, mặc dù được tu bổ, nâng cấp nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi đã hy vọng NVS thông minh này sẽ góp phần giải quyết căn cơ. Thế nhưng, muốn vận hành NVS thông minh, trường phải đối ứng khoản kinh phí khá lớn để làm hệ thống hầm rút và cấp nước. Vì không có tiền nên đành “cất vào kho””, thầy Ba cho biết.
Theo ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, sau khi tiếp nhận NVS thông minh, các trường liên tục đòi trả, bởi việc xây dựng hệ thống hầm rút và các hạng mục đi kèm rất tốn kém. Theo tính toán, ngay cả khi các trường chấp nhận đầu tư hầm rút cùng các hạng mục, đưa NVS thông minh vào hoạt động thì hiệu quả cũng không bằng việc xây dựng một NVS mới, bởi NVS thông minh chỉ có một buồng cho một người dùng và khá chật hẹp.
NGỌC TÚ - HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH
Kỳ cuối: Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động