SIPRI: Các cường quốc toàn cầu đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố cho hay, số lượng đầu đạn hạt nhân được lưu trữ trong kho dự trữ sẵn sàng sử dụng đã tăng thêm 86 đầu đạn kể từ năm 2022.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 12.6, các cường quốc hạt nhân đang tích cực hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Titan II trong một hầm chứa tại Bảo tàng Tên lửa Titan, ngày 12.5.2015. Ảnh: AFP
Tính đến tháng 1.2023, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel có tổng cộng 12.512 đầu đạn hạt nhân, với 9.576 đầu đạn được lưu trữ trong kho dự trữ sẵn sàng sử dụng, tăng 86 đầu đạn so với 1 năm trước.
Nga và Mỹ - hai nước sở hữu gần 90% vũ khí hạt nhân của thế giới, lần lượt có 1.674 và 1.770 đầu đạn được triển khai. Tính đến đầu năm 2022, Nga có khoảng 1.588 đầu đạn trong khi Mỹ có 1.744 đầu đạn.
SIPRI nhấn mạnh, “quy mô kho vũ khí hạt nhân tương ứng của họ… dường như vẫn tương đối ổn định trong năm 2022, mặc dù tính minh bạch về lực lượng hạt nhân đã giảm ở cả 2 quốc gia” say khi xung đột ở Ukraine bùng phát.
Trong cả năm 2022, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã tăng từ 350 lên 410 đầu đạn. Theo SIPRI, vào cuối thập kỷ này, số tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bắc Kinh có thể ngang với Mỹ hoặc Nga.
Vương quốc Anh được cho là không tăng kho vũ khí của nước này trong năm 2022, mặc dù số lượng đầu đạn của London dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới. Trong khi đó, Pháp vẫn tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan dường như đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên được cho là đang ưu tiên chương trình hạt nhân và ước tính đã lắp ráp được khoảng 30 đầu đạn hạt nhân. SIPRI cho biết thêm, Israel, quốc gia không công khai thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng được cho là đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này.
SIPRI cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân là do sự xói mòn của cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu trong bối cảnh xung đột Ukraine, đáng chú ý có quyết định của Mỹ đóng băng đối thoại ổn định chiến lược với Nga và việc Moscow đình chỉ Hiệp ước START mới năm 2010, trong đó hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ Hiệp ước START mới hồi tháng 2 năm này, nói rằng phương Tây đã từ chối cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân của họ. Tuy nhiên, ông cũng xác nhận Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ việc hạn chế các đầu đạn được triển khai theo quy định của thỏa thuận.
Theo Hoàng Phạm (VOV.VN)