Ươm mầm tình yêu bài chòi dân gian cho lớp trẻ
Những ngày diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh Bình Ðịnh lần thứ XIV - năm 2023 tại thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), người dân và du khách vô cùng thích thú dõi theo hội thi diễn xướng bài chòi dân gian có những hiệu nhí, hiệu trẻ lần đầu tiên tham gia để lại nhiều ấn tượng với công chúng mộ điệu.
Tại Ngày hội, lần đầu tiên CLB Bài chòi dân gian huyện Tuy Phước đưa nghệ nhân từ các CLB bài chòi xã Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn đi thi để giao lưu, học hỏi. Đặc biệt là sự tham gia của hiệu “nhí” Lê Minh Anh (8 tuổi, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học số 1 Đồng Tâm, xã Phước Quang) với nét hồn nhiên đáng yêu trình diễn hô thai nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. “Ở nhà nghe mẹ hô bài chòi con thích lắm! Con nói mẹ dạy bài chòi cho con. Đợt tết Nguyên đán 2023, con được theo mẹ diễn tại hội chợ Gò huyện Tuy Phước. Lần này được diễn tại ngày hội, con rất vui!”, hiệu nhí Lê Minh Anh chia sẻ.
Không giấu được cảm xúc, nghệ nhân Nguyễn Thị Mười- Phó Chủ nhiệm CLB bài chòi dân gian xã Phước Quang, là mẹ của cháu Lê Minh Anh, bộc bạch: “Tôi thật sự xúc động vì lần đầu tiên hai mẹ con được trình diễn tại ngày hội lớn như vậy. Cháu Minh Anh cũng đã tự tin thể hiện khả năng hô thai, được Ban tổ chức Ngày hội tặng giấy khen giải triển vọng dành cho hiệu nhỏ tuổi hô và trình diễn bài chòi dân gian hay”.
Cũng là con nhà nòi, hiệu nhí Lý Tường Nhân (10 tuổi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học số 1 Tam Quan, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) được ba là nghệ nhân ưu tú Lý Thành Long, cùng mẹ cũng là nghệ nhân của CLB bài chòi dân gian phường Tam Quan truyền cảm hứng yêu thích bài chòi từ sớm. Hiệu nhí Lý Tường Nhân tươi cười cho biết: “Từ lúc 3 - 4 tuổi, ba mẹ đã dạy con bập bẹ tập hát những làn điệu dân ca, câu thai bài chòi. Cứ thế mà con thấm dần. Đây là lần đầu con được đi với ba mẹ và các cô chú trong CLB bài chòi TX Hoài Nhơn diễn xa nhà như vậy, hào hứng lắm. Con rất tự hào khi nghệ thuật bài chòi Trung bộ, trong đó có Bình Định quê mình được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Hiệu nhí Lý Tường Nhân (bìa trái) tự tin biểu diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ hoạt động đưa bài chòi dân gian vào trường học do ngành văn hóa TP Quy Nhơn tổ chức truyền dạy, em Nguyễn Văn Nam (18 tuổi, ở xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) đã trở thành hạt nhân trẻ tham gia các hội thi diễn xướng bài chòi dân gian của địa phương, cũng như thành phố. “Em thích bài chòi dân gian từ nhỏ. Hồi đó, các cô chú trên đảo hô bài chòi phục vụ là em lại đi xem, rồi nhẩm theo tập hô cho nhớ. Đến khi em lên học ở Trường THCS Nhơn Châu, thầy giáo dạy âm nhạc Trần Huệ Thiện - cũng là thành viên của đội bài chòi xã Nhơn Châu đã giúp em tiếp cận, truyền dạy nghệ thuật này bài bản. Từ đó, em tham gia vào các hoạt động hô bài chòi biểu diễn văn nghệ trong trường, hội bài chòi ở địa phương, hội thi đánh bài chòi dân gian của thành phố”, Nam thổ lộ.
Từ khi nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, tỉnh Bình Định đã nỗ lực bảo tồn, quảng bá giá trị di sản, tạo sức lan tỏa trong lòng công chúng mộ điệu.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian tổ chức tại Ngày hội đã thu hút rất đông người mộ điệu đến xem, cho thấy di sản bài chòi có sức lan tỏa mạnh trong công chúng. Đáng mừng hơn nữa, nhiều địa phương rất quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Bình Định khi có hiệu nhí, hiệu trẻ tham gia Hội thi, góp phần gìn giữ, trao truyền di sản bài chòi dân gian”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN