LIÊN HOAN “HÁT RU VÀ HÁT DÂN CA” TỈNH BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ V - NĂM 2023:
Gìn giữ lời ru, điệu hát dân ca
Liên hoan “Hát ru và hát dân ca” tỉnh Bình Định lần thứ V - năm 2023 diễn ra thành công ngày 12.6, do Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở VH&TT tổ chức, đã để lại nhiều ấn tượng, xúc cảm cho người xem, góp phần gìn giữ những lời ru, điệu dân ca.
Liên hoan thu hút hơn 140 hội viên, diễn viên, nghệ nhân, nhạc công đến từ 12 đội thi của hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ LLVT tỉnh tham gia trình diễn 24 tiết mục được dàn dựng phong phú về nội dung, thể hiện qua nhiều thể loại, như: Thơ ca, hò, vè, hát lý, hát lía, hát kết mang đặc trưng của hát ru, dân ca đậm dấu ấn của Bình Định, của dân ca Nam Trung bộ.
Truyền nhau lời ru, tiếng hát
Mở màn phần thi hát ru, hát dân ca, đội thi huyện Vĩnh Thạnh mang đến tiết mục “Tình mẹ con” với những điệu hát ru xốc, ru đưa, ru mùi khiến người xem nhớ về những ngày thơ ấu nằm bên cánh võng, giữa trưa hè chìm vào giấc ngủ trong lời ru à ơi của bà, của mẹ.
Tiết mục “Giữ trọn lời thề” của huyện Phù Cát tạo ấn tượng với người xem. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Còn đội thi đến từ Hội LHPN huyện Phù Cát gửi đến tiết mục “Giữ trọn lời thề” nêu bật tinh thần yêu nước, đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong những cuộc chia ly chồng theo hải đội Hoàng Sa bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong khi đó, tiết mục “Vọng mãi lời ru” của đội thi TP Quy Nhơn khiến khán giả rơm rớm nước mắt khi kể về câu chuyện mẹ già như ngọn đèn dầu leo lét, sức yếu, bệnh tật triền miên, bị người con trai nhẫn tâm vứt bỏ vào hang đá, rồi phải thức tỉnh bởi chữ hiếu khi đứa cháu nội ngây thơ nói với cha: “Khi cha mẹ già như bà nội, con cũng đưa vào hang đá”…
Tiết mục “Vọng mãi lời ru” của TP Quy Nhơn khiến khán giả không kiềm được cảm xúc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Những lời ru ngày xưa được các bà, các mẹ truyền tai nhau là hồn cốt văn hóa của người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng. Nó là sợi dây tình cảm thiêng liêng của bà và cháu, mẹ và con. Tham gia Liên hoan lần này, tôi thực sự xúc động, bởi những lời ru, điệu dân ca cổ tưởng chừng mai một nhưng vẫn được gìn giữ khi có nhiều cháu tuổi đời còn rất trẻ lên sân khấu biểu diễn”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (64 tuổi, thành viên đội thi Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ.
Tại hội thi, các đội thi đến từ Hội LHPN huyện Vân Canh, Hội LHPN huyện An Lão còn giới thiệu loại hình dân ca đặc trưng của đồng bào Chăm H’roi, Bana, H’re qua giọng hát truyền cảm của những thí sinh trẻ. Em Mai Thị Kim Oanh (22 tuổi, thành viên đội thi Hội LHPN huyện Vân Canh), người dân tộc Chăm H’roi, bộc bạch: “Từ nhỏ, tôi đã được các cụ già trong làng dạy hát dân ca, dân vũ đồng bào Chăm H’roi của mình. Lớn lên, tôi được học thêm những làn điệu dân ca của Bình Định. Lần đầu tiên tham gia Liên hoan, tôi thấy rất vui và tự hào khi được giới thiệu nét văn hóa của đồng bào Chăm H’roi”.
Ngoài các làn điệu hát ru, hát dân ca cổ của Bình Định, đội thi đến từ huyện An Lão còn giới thiệu những làn điệu dân ca đặc trưng của đồng bào Bana, H’re. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng ban tổ chức Liên hoan, các tiết mục tham gia của 12 đội thi đã bám sát chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước; tình yêu thương con người, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Thông qua đó, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; chuyển tải nội dung về cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình…
Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Liên hoan “Hát ru và hát dân ca” tỉnh Bình Định lần thứ V - năm 2023 chỉ diễn ra trong ngày, nhưng các đội thi đã “cháy” hết mình để trình diễn và tôn vinh loại hình hát ru, hát dân ca, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Bình Định.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Phương Nga, thành viên đội thi Hội LHPN TX An Nhơn, tâm sự: “Tôi thấy Liên hoan lần này tổ chức quy mô, các đội đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng công phu hấp dẫn người xem; xuất hiện nhiều gương mặt trẻ hát ru, hát dân ca rất hay. Theo tôi, sau các đợt Liên hoan, Hội LHPN các cấp, cũng như ngành văn hóa cần mở các lớp tập huấn, truyền dạy hát ru, hát dân ca cho giới trẻ, có thể đưa vào học đường để dạy cho học sinh, nhằm trao truyền cho lớp trẻ kế thừa”.
Sức hút từ Liên hoan không những tạo “sân chơi” giao lưu văn hóa, mà còn cho thấy tín hiệu vui khi loại hình hát ru, hát dân ca vẫn âm ỉ chảy trong mạch nguồn văn hóa dân gian. Song, vẫn còn đó những trăn trở để loại hình này lan tỏa. Bà Huỳnh Thị Anh Thảo - Phó Giám đốc Sở VH&TT, Phó Trưởng ban tổ chức Liên hoan, cho biết: “Liên hoan tổ chức thành công, cho thấy các đoàn, các CLB văn nghệ quần chúng tại các địa phương đã có nhiều nỗ lực đưa các loại hình văn hóa truyền thống tiếp cận công chúng trong bối cảnh các loại hình giải trí hiện đại phát triển; qua đó, cũng phát hiện nhiều hạt nhân trẻ để “tiếp lửa” tình yêu hát ru, hát dân ca. Tuy nhiên, để đảm bảo loại hình hát ru, hát dân ca được gìn giữ, phát huy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa”.
Nên rút ngắn từ 5 năm/lần xuống 3 năm/lần
Liên hoan lần này có nhiều nét mới nổi trội so với những lần trước, ngoài sự đầu tư chỉn chu, nhiều đơn vị đưa các làn điệu hát ru, hát dân ca cổ của Bình Định, như: Hát sắc bùa, lía phôn, lý cây khế, hò mài dừa, khai thác dân ca cổ nhiều hơn dân ca cải biên, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số hát dân ca Bana, H’re. Song, cũng có nhiều đơn vị hát lý cây bông của dân ca Nam Bộ, lý ngựa ô của Huế, hoặc hát dân ca bài chòi, hô lô tô, hát lý vãi chài rất nhiều…
Theo tôi, việc tổ chức Liên hoan nên rút ngắn thời gian từ 5 năm/lần xuống còn 3 năm/lần để các nghệ nhân lớn tuổi còn có cơ hội truyền dạy lớp trẻ kế thừa. Các địa phương khi tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng nên đưa nền tảng hát ru, hát dân ca để công chúng xem, góp phần lan tỏa hơn nữa văn hóa truyền thống.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Phó trưởng Ban Giám khảo Liên hoan.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN