Tăng học phí, tăng nỗi lo!
Câu chuyện học phí lại nóng ran những ngày này khi mức học phí được nhiều trường đại học (ĐH), nhất là các trường tốp đầu công bố với mức tăng mạnh cho năm học mới 2023 - 2024.
Sau 2 năm tạm dừng tăng học phí do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường ĐH thời điểm này dự kiến tăng 10% - 20% học phí. Cơ sở pháp lý để các trường thực hiện là Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.
Trong bối cảnh các trường phải tự chủ và giá cả thị trường tăng, theo chuyên gia giáo dục, việc tăng học phí ĐH là “tất yếu”. Và rõ ràng, câu chuyện tăng học phí đồng thời tăng thêm nỗi lo với nhiều phụ huynh, sinh viên. Chưa kể, không ít khoản tiền học tập phải đóng, nộp, khiến các bậc phụ huynh quay đâu cũng thấy cần tiền, nhất là trong giai đoạn kinh tế thực sự khó khăn như hiện nay. Lo càng thêm lo!
Vì thế, vấn đề đặt ra khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài yêu cầu đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì cần phải tính bài toán phù hợp với thu nhập của người dân.
Mới đây, trong tháng 5.2023, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện nghị quyết số 74 của Chính phủ. Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn giảm học phí. Đối với học phí giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, cần nghiên cứu lộ trình thích hợp. Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các bộ, ngành, tổ chức, DN... để không làm giảm cơ hội vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao, đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế...
HOÀNG ANH