Cảnh báo từ vụ án tham ô, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Ngày 12.6, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Hồ Thị Cẩm Lệ (SN 1986) 10 năm tù giam, Cao Văn Chuyên (SN 1976) 2 năm tù giam cùng về tội “Tham ô tài sản”; Ðỗ Thanh Xuân (SN 1962, cùng ở huyện Tây Sơn) 18 tháng tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án một lần nữa cảnh báo về tình trạng lỏng lẻo trong quản lý tài chính, để cấp dưới chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Sau nhiều lần hoãn, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đúng 8 giờ ngày 12.6, phiên tòa đã chính thức diễn ra. 3 bị cáo và những người liên quan có mặt tại tòa từ rất sớm.
Phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: K.A
Hồ Thị Cẩm Lệ là kế toán tổng hợp của Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện Tây Sơn; có nhiệm vụ theo dõi, xuất hóa đơn, thu tiền sử dụng nước của các nhân viên ghi thu tiền sử dụng nước của hộ dân có tiền sử dụng nước hằng tháng trên 200 nghìn đồng. Lợi dụng công tác quản lý tài chính thiếu chặt chẽ, từ tháng 8.2014 - 8.2015, Lệ không thực hiện đúng quy trình thu, không đưa vào bảng kê nộp vào quỹ theo đúng quy định; chỉ nộp một phần tiền thu được và giữ lại, chiếm đoạt trên 175 triệu đồng.
Ngoài ra, Lệ còn được giao trực tiếp theo dõi, thu tiền nước của các đơn vị hành chính sự nghiệp, DN trên địa bàn. Từ năm 2014 đến tháng 2.2018, Lệ đã báo cáo gian dối nhiều đơn vị chưa nộp tiền (thực tế họ đã nộp xong), từ đó giữ lại không nộp vào quỹ phần tiền sử dụng nước của 16 đơn vị. Chưa dừng lại ở đó, Lệ còn ghi các hóa đơn liên 2 (liên giao khách hàng) cao hơn số tiền lưu trên liên 1 (liên lưu); chiếm đoạt hơn 383 triệu đồng.
Với các thủ đoạn trên, Lệ đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 584 triệu đồng, hiện đã tự nguyện giao nộp hơn 419 triệu đồng. Tại tòa, Lệ thừa nhận hành vi sai trái của mình một phần xuất phát từ việc nhìn thấy được sự lỏng lẻo trong quản lý tài chính của đơn vị. Để dễ dàng thực hiện việc chiếm đoạt tiền, Lệ chủ động thỏa thuận với Cao Văn Chuyên - tổ trưởng tổ kế toán.
“Thời điểm đó, khi thu tiền nợ đọng của công ty T. với số tiền hơn 24 triệu đồng, bị cáo có thỏa thuận với anh Chuyên bỏ ngoài sổ sách để chiếm toàn bộ số tiền này. Cụ thể, bị cáo chiếm đoạt hơn 4 triệu đồng, còn anh Chuyên giữ 20 triệu đồng”, Lệ khai.
Bên cạnh đó, năm 2016, Chuyên cũng đã giúp Lệ chiếm đoạt hơn 55 triệu đồng bằng cách hạch toán các khoản thu khác để trừ vào công nợ của Lệ; Chuyên được Lệ chia lại 15 triệu đồng. Tháng 8.2018, Chuyên còn chiếm đoạt 10 triệu đồng tiền sử dụng nước do một nhân viên khác nộp. Tổng cộng, Chuyên đã bỏ ngoài sổ sách số tiền hơn 89 triệu đồng để chiếm đoạt.
Chuyên thừa nhận: “Vì lãnh đạo đơn vị không chỉ đạo bộ phận kế toán thực hiện đối chiếu kiểm tra, xác định số dư công nợ định kỳ theo quy định, bị cáo mới lợi dụng để thực hiện hành vi sai trái”.
Là Trưởng Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện, bị cáo Đỗ Thanh Xuân không nhận được gì từ khoản tiền cấp dưới chiếm đoạt. Tuy nhiên, ý thức được hậu quả của vụ việc bắt nguồn từ bản thân thiếu kiểm tra, giám sát công tác tài chính, bị cáo Xuân chủ động giao nộp 25 triệu đồng để khắc phục hậu quả. “Bị cáo đã buông lỏng công tác quản lý tài chính, dẫn đến việc không phát hiện số tiền thất thoát. Bị cáo rất ân hận”, bị cáo Xuân thành khẩn nói.
Tại tòa, hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian để phân tích về chức trách, nhiệm vụ của từng bị cáo; khẳng định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và quyền sở hữu tài sản của Nhà nước. Hành vi của bị cáo Lệ và Chuyên kéo dài nhiều năm, thực hiện nhiều lần, được tính là phạm tội 2 lần trở lên theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự.
KIỀU ANH