Dừa xiêm “bén rễ” ở xứ cát
Hưởng lợi từ nước tưới của kênh tưới Văn Phong, huyện Phù Cát đã thành công chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chuyển đổi phần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, toàn huyện hiện có 1.188 ha dừa xiêm tập trung ở các xã Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh, Cát Tân và Cát Khánh. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân chọn cây dừa xiêm bởi đây là giống cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không kén đất nên cả những vùng đất cát ven biển dừa xiêm phát triển rất tốt.
Đến nay, ở các địa bàn nói trên hầu như nhà nào cũng trồng dừa xiêm, trồng ít thì chừng vài chục cây, trồng nhiều lên đến vài trăm cây. Tính toán của ngành nông nghiệp cho thấy, mỗi hec ta có thể trồng 300 cây dừa xiêm. 4 năm sau cây dừa xiêm bắt đầu cho quả, nếu tính từ tuổi thứ 5 trở lên, trung bình mỗi gốc dừa xiêm cho khoảng 100 - 120 quả/năm. Với giá bán bình quân từ 7.000 - 12.000 đồng/quả (theo mùa trong năm), mỗi gốc dừa xiêm chăm sóc, phát triển tốt cho lợi nhuận từ 1 - 3 triệu đồng/năm.
Nông dân huyện Phù Cát ưa chuộng cây dừa xiêm vì có thể thích ứng được với nhiều chân đất khác nhau. Ảnh: VŨ ĐÌNH THUNG
Ông Nguyễn Văn Yên, một chủ vườn dừa ở xã Cát Trinh, cho hay: Dừa xiêm là giống dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc. Đặc biệt, khi dừa chưa khép tán (4 năm đầu tiên), chúng tôi có thể tận dụng đất dưới tán dừa để trồng xen canh bắp, đậu phụng, hoa màu các loại “lấy ngắn nuôi dài”. Khi dừa đến tuổi thu hoạch, bình quân mỗi gốc dừa cho lợi nhuận 1 triệu đồng/cây/năm. Hiện, gia đình tôi có gần 300 gốc dừa xiêm bắt đầu cho thu hoạch.
Tương tự, anh Đinh Vĩnh Tường (ở xã Cát Hiệp) chuyển đổi 4 ha đất trồng keo lai sang trồng dừa xiêm sau khi tham quan nhiều mô hình trồng dừa xiêm trong và ngoài huyện, kết hợp với tư vấn của cán bộ kỹ thuật. Đến nay, toàn bộ diện tích dừa xiêm ở độ tuổi thu hoạch (4 năm tuổi), cây dừa phát triển tốt nên sản lượng đều. “Ngoài bán cho thương lái tại vườn, gia đình tôi còn đầu tư thêm xe bán tải đưa dừa xuống bán ở TP Quy Nhơn, bình quân bán trên 200 quả/ngày. Trừ chi phí đầu tư, thu nhập từ cây dừa mang lại rất ổn định”, anh Tường phấn khởi nói.
Ngành nông nghiệp huyện Phù Cát cho biết, kiểm tra và đánh giá thực tế cây dừa xiêm thích ứng ở những vùng đất ven biển, đất cát pha mặn. Nhờ vậy, các xã ven biển của huyện cũng có thể đầu tư trồng dừa xiêm. Ông Nguyễn Công Tại (ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) chia sẻ kinh nghiệm: Dừa xiêm trồng trên đất cát ven biển chỉ khó trong giai đoạn đầu, còn khi cây đã bắt rễ thì phát triển tốt như trồng trên những chân đất khác. Năm 2012, gia đình tôi đầu tư trồng 100 cây dừa xiêm, 5 năm sau thì thu hoạch; bình quân thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm từ cây dừa.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết, hiện cây dừa xiêm đang được nông dân huyện ưa chuộng, nên diện tích dừa xiêm tăng rất nhanh. Từ nhu cầu phát triển, chính quyền các cấp đã định hướng, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật để nông dân đầu tư cả về chất lượng và sản lượng dừa. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Phù Cát sẽ phát triển thêm 100 ha dừa xiêm (riêng năm nay 50 ha, từ năm 2024 - 2025 tăng thêm 50 ha). Năm 2023, huyện cũng xây dựng mô hình khuyến nông thâm canh dừa xiêm thời kỳ cho quả theo hướng hữu cơ với quy mô 1,2 ha ở xã Cát Hiệp; chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu để nhân rộng.
“Toàn bộ diện tích dừa xiêm trồng mới trong giai đoạn 2023 - 2025 áp dụng một quy trình canh tác đồng bộ để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, cấp mã số vùng trồng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi chuẩn hóa quy trình và chất lượng sản phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và đăng ký sản phẩm OCOP, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm dừa xiêm của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các kênh tiêu thụ, kết nối và mở rộng thị trường”.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát
QUANG BẢO