Ngày Quốc tế người hiến máu: Chia sẻ yêu thương, trao sự sống
Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn thông điệp của ngày 14.6 là “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống”. Thông điệp nhằm kêu gọi mọi người tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương.
Ảnh minh họa.
Mỗi năm, thế giới có hàng triệu người tình nguyện hiến máu, góp phần đem lại sự sống vô giá cho người bệnh. Để ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn với nghĩa cử cao đẹp đó, từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 14.6 là ngày Quốc tế người hiến máu. Đây cũng là ngày sinh của nhà khoa học Karl Landsteiner - người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới của an toàn truyền máu.
Cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) thì huyết tương cũng là thành phần quan trọng trong máu, chứa chủ yếu là nước và nhiều chất rất cần thiết với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể.
Ở nhiều nước trên thế giới, hiến huyết tương gạn tách tương đối phổ biến. Số lít huyết tương tiếp nhận được hơn 1.000 dân ở Cộng hòa Séc là 45 lít; tương tự con số này ở Hungary, Đức và Hà Lan lần lượt là 41, 36 và 19 lít.
Trong sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu 14.6.2017 do Việt Nam là nước chủ nhà, người lập kỷ lục hiến máu của Hà Lan cũng tham dự với tổng số 641 lần, trong đó có 415 lần hiến huyết tương. Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi so với hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành huyết học-truyền máu hướng tới.
Đánh giá về hoạt động hiến máu tình nguyện thời gian qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, hiện nay người dân đã có sự thay đổi cơ bản về nhận thức về hiến máu.
Việc hiến máu đã trở thành một hành động, một nghĩa cử cao cả được thực hiện thường xuyên của tất cả mọi người, của tất cả các tầng lớp trong xã hội và có sự vào cuộc của các cơ quan Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân.
Nhờ vậy mà những năm gần đây, hầu như không còn xảy ra tình trạng thiếu máu vào dịp hè và Tết, bệnh nhân cũng không còn phải mòn mỏi chờ đợi máu do thiếu nguồn người hiến máu.
Tại Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu 14.6 nhằm ghi nhận và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến máu.
Năm 2022, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỷ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5%.
Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức sáng tạo, thành công như: Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7.4, Ngày Quốc tế người hiến máu 14.6, Chiến dịch Vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng, Chiến dịch Những giọt máu hồng hè và Hành trình Đỏ…
Trong hơn 1,4 triệu đơn vị máu của toàn quốc, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 379.161 đơn vị máu, chiếm 26,4% tổng lượng máu tiếp nhận của toàn quốc. Viện cũng đã điều chế và cung cấp được gần 688.000 đơn vị chế phẩm máu tới 181 cơ sở y tế tại 29 tỉnh/thành phố.
Theo TRẦN LAM (NDO)