Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, làng nghề
Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm OCOP và làng nghề Bình Ðịnh năm 2023 sẽ diễn ra tại TP Quy Nhơn từ ngày 21 - 27.6. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh, ông Nguyễn Ðình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết hội chợ có nhiều điểm mới trong xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống của tỉnh.
*Cụ thể, hội chợ được tổ chức lần này có những điểm mới nào, thưa ông?
- Hội chợ lần này tại Bình Định sẽ có sự hiện diện của 13 tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa… Thành phần tham gia là các DN, HTX, cơ sở công nghiệp nông thôn trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện theo quy định; các sở công thương, trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành đưa sản phẩm có chứng nhận OCOP, sản phẩm của các làng nghề đến tham gia hội chợ nhằm giao lưu, quảng bá xúc tiến thương mại. Đáng chú ý, Sở NN&PTNT Hà Nội còn có riêng gian hàng bày bán sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội.
Sản phẩm tham gia hội chợ đều đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Hội chợ còn trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống nổi tiếng trong nước.
Hội chợ năm 2023 sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP của Bình Định và 13 tỉnh, thành khác trong nước.
- Trong ảnh: Sản phẩm OCOP Bình Định tham gia một hội chợ thương mại của tỉnh. Ảnh: HẢI YẾN
* Vậy còn quy mô hội chợ lần này như thế nào?
- Đến thời điểm này có 109 DN đăng ký tham gia hội chợ với 250/300 gian hàng; trong đó, 147 gian hàng tiêu chuẩn của các DN sản xuất kinh doanh hàng hóa, sản phẩm thực phẩm OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề; hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày... Riêng tỉnh Bình Định có 54 DN, HTX, cơ sở tham gia với các thương hiệu như: Trà dung Cazin, trà nụ hoa hòe Dulah, nước mắm Mười Thu, nước mắm Thái An, bún phở khô Cô Phương, nước giải khát Tingco, bánh tráng Sachi Nguyễn…
Hội chợ bố trí các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp xuất khẩu tiêu biểu; sản phẩm chủ lực đặc trưng và tiềm năng của các tỉnh.
Để thuận tiện cho khách tham quan, giao dịch, gian hàng hội chợ được phân chia thành 5 khu vực riêng biệt, gồm: Gian hàng triển lãm chung trưng bày, tôn vinh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống; khu gian hàng sản phẩm OCOP, làng nghề trong và ngoài tỉnh (khu sản phẩm công nghiệp - thương mại); khu sản phẩm nông nghiệp máy móc, thiết bị; khu siêu thị thương mại tổng hợp; khu ẩm thực chế biến.
* Với mục tiêu xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống, ông có thể cho biết chính sách ưu đãi nào dành cho các DN, HTX, cơ sở ở tỉnh tham gia hội chợ?
- Phải khẳng định rằng, hội chợ là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia giao lưu hợp tác, liên kết đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Do đó, các gian hàng có sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ được giảm 50% kinh phí đối với gian hàng tiêu chuẩn (giá thuê gian hàng tiêu chuẩn 8 triệu đồng); UBND tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí còn lại. Đồng nghĩa, DN, HTX, cơ sở của tỉnh tham gia hội chợ được miễn phí 100%.
Riêng với khách tham quan, mua sắm sẽ được miễn phí vé vào cổng trong khung giờ 8 - 17 giờ, giá vé vào cổng từ từ 17 - 22 giờ là 20.000 đồng/vé/người. Để thu hút người tiêu dùng đến tham quan mua sắm, đồng thời tạo dấu ấn riêng cho hội chợ lần này, chúng tôi cũng vận động DN, cơ sở tham gia khuyến mại, giảm giá, kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng bằng nhiều hình thức. Có thể nói đây là cơ hội tốt để người tiêu dùng mua sắm.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)