Học nghề - giải pháp cho lao động thất nghiệp
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Ðịnh, trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 4.745 lao động thất nghiệp. Trước tình hình đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã triển khai các lớp dạy nghề cho đối tượng là lao động mất việc làm, được hỗ trợ từ nguồn bảo hiểm thất nghiệp. Ðây được xem là giải pháp hữu ích, góp phần giúp người lao động có thêm lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Mở hướng đi mới
Trong cơn bão thất nghiệp, nhiều lao động chọn học nghề như một cách mở ra hướng đi mới.
Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn, kéo theo tình trạng giảm lương công nhân hoặc cắt giảm nhân sự. Là nạn nhân trong cơn khủng hoảng ấy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Quí (SN 1983, ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) phải mang theo con nhỏ về quê sau 10 năm làm công nhân tại một công ty thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh.
Lâm vào cảnh thất nghiệp, hai vợ chồng dựa vào bố mẹ để sống qua ngày, nhưng luôn cảm thấy tự ti, áp lực và không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ đã lớn tuổi.
Chị Quí tâm sự: “Tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định và được giới thiệu một số lớp học nghề miễn phí. Tôi chọn nghề nấu ăn bởi dễ hiểu, có tính ứng dụng cao, lại phù hợp với một số công việc ở quê. Tôi rất háo hức hoàn thành chương trình học để nhận chứng chỉ, sớm ổn định việc làm”.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều lao động chọn học nghề vì muốn thay đổi công việc đã không còn phù hợp với bản thân. Chủ động nghỉ việc tại một xưởng gỗ ở địa phương sau gần 20 năm gắn bó, anh Nguyễn Thuyên (SN 1975, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) sau khoảng thời gian thất nghiệp để xác định hướng đi tiếp theo, đã đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn. “Vì thích nấu ăn nên tôi chọn nghề này và đang dành dụm ít vốn để sau khi học xong có thể mở quán ăn nho nhỏ”, anh Thuyên chia sẻ.
Học nghề còn đem lại cơ hội công việc tốt hơn cho lao động thất nghiệp. Anh Trần Anh Vũ (SN 1989, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) là một trường hợp như vậy. Sau 2 năm thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh, nhận thấy các khu công nghiệp, nhà xưởng có nhu cầu tuyển tài xế chuyên lái xe nâng tải trọng nhỏ, anh đã đăng ký lớp học nghề miễn phí do Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng - Nông lâm Trung bộ tổ chức.
“Học xong, tôi đã có việc làm đúng với nhu cầu. Thu nhập nhờ đó mà cải thiện hơn, giúp tôi dần ổn định cuộc sống sau khoảng thời gian khó khăn vì không có việc làm”, anh Vũ phấn khởi nói.
Học viên là lao động thất nghiệp thực hành tại lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định tổ chức. Ảnh: D.L
Hỗ trợ tối đa cho người lao động
5 tháng đầu năm 2023, trong số 4.745 lao động thất nghiệp, có 235 trường hợp được hỗ trợ học nghề. Ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định cho biết, tùy vào nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, Trung tâm sẽ có hướng tư vấn để hỗ trợ tốt nhất cho đối tượng này.
Với những lao động còn trẻ, có đủ kỹ năng cần thiết và mong muốn được làm việc trong ngành nghề tương tự với công việc cũ, cán bộ tư vấn sẽ giới thiệu, kết nối người lao động với các DN đang có nhu cầu tuyển dụng. Với những lao động lớn tuổi hoặc có nhu cầu thay đổi công việc, Trung tâm sẽ giới thiệu một số lớp dạy nghề, nói rõ thời gian học cũng như quyền lợi của người học khi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng học phí.
Ông Nghinh cho biết: “Hiện tại, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai các lớp như kỹ thuật chế biến món ăn, lái xe hạng B1, B2, C. Trong đó, nghề nấu ăn đang dẫn đầu xu hướng học nghề của tỉnh, chiếm 2/3 số lượng học viên, bởi phù hợp với nhiều độ tuổi, kỹ năng, nhu cầu khác nhau. Sau khi học, người lao động có thể làm thuê hoặc tự mình kinh doanh với nhiều quy mô khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cá nhân”.
Về phía các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, khâu đào tạo, dạy nghề cho lao động thất nghiệp được quan tâm hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Kim Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, cho biết, Trung tâm đang triển khai 2 lớp đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn dành cho lao động thất nghiệp. “Thấu hiểu tâm lý nóng lòng hoàn thành chương trình để sớm có việc làm phù hợp của học viên, bên cạnh việc sắp xếp giờ học linh động, giảng viên chú trọng các kỹ năng cơ bản, lồng ghép lý thuyết với thực hành, cho học viên tự tay chế biến các món thông dụng. Việc giải đáp thắc mắc ngoài giờ học cũng thường xuyên diễn ra, tạo điều kiện tối đa cho họ yên tâm hoàn thành khóa học”, bà Vân nói.
DƯƠNG LINH