Ðào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức:
Nhiều “lỗ hổng” cần vá sớm
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN) ở tỉnh ta đang được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả nhất định. Song trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trong tỉnh chưa đồng đều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án CNTT.
Theo lộ trình phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015 có 100% CQNN thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố được triển khai hệ thống văn phòng điện tử; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của CQNN để hướng đến chính quyền điện tử.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra mới đây của Sở TT-TT về tình hình ứng dụng CNTT tại một số huyện, thị xã trong tỉnh cho thấy: Các cơ quan, đơn vị dù đã quan tâm trong việc phân công, bố trí nhân lực làm công tác quản trị mạng, chuyên trách CNTT, nhưng một bộ phận CBCC chưa thay đổi được thói quen làm việc, còn ngại làm việc trên môi trường mạng, nên việc triển khai sử dụng phần mềm văn phòng điện tử tại một số đơn vị còn chậm, chưa hiệu quả, hoặc bị gián đoạn. Tỉ lệ CBCC sử dụng thư điện tử công vụ trong giao dịch công tác tại các đơn vị còn thấp, trung bình đạt tỉ lệ 30% trên tổng số thư công vụ được cấp; công tác bảo mật còn nhiều hạn chế.
Thống kê của Sở TT-TT, hiện toàn tỉnh có hơn 2.900 CBCC của 159 xã, phường, thị trấn. Trừ một số xã, phường trên địa bàn TP Quy Nhơn, còn lại trên địa bàn các huyện, thị xã, hầu hết các CBCC cấp xã còn thiếu những kỹ năng cơ bản về CNTT, máy tính, internet; đa số vẫn thực hiện các công việc hành chính theo phương thức thủ công.
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: Đến nay, việc triển khai văn phòng điện tử nói chung và các dự án CNTT tại một số đơn vị trong tỉnh không đúng như kỳ vọng và kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân quan trọng nhất là trình độ CNTT của đội ngũ CBCC ở một số sở và huyện còn hạn chế. Đồng thời, đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ nên công tác tham mưu về triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng CNTT tại nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả cao.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Cường: Hàng năm, tỉnh đều dành một phần kinh phí để đào tạo kỹ năng CNTT cho CBCC, tuy nhiên, do tình hình kinh phí khó khăn nên việc đào tạo sẽ ưu tiên cho các vấn đề quan trọng. Trong năm nay, tình hình mất an toàn thông tin ngày càng phức tạp, vì vậy, Sở sẽ tập trung đào tạo về an toàn thông tin, bảo mật thông tin cho CBCC, đặc biệt là cho các cán bộ chuyên trách về CNTT.
Theo chương trình ứng dụng CNTT của tỉnh năm 2014, việc đào tạo chuyên sâu về kiến thức an toàn, an ninh thông tin mạng, các biện pháp khắc phục an toàn thông tin… là một trong những nhiệm vụ quan trọng sẽ được triển khai cho các cán bộ chuyên trách về CNTT. Tuy nhiên, song song với việc triển khai văn phòng điện tử tại một số đơn vị, các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ CNTT cho CBCC để đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả và đúng lộ trình cũng rất cần thiết.
Nhìn chung, trình độ và kỹ năng CNTT của đội ngũ CBCC còn nhiều hạn chế là một trong những trở ngại lớn trong việc triển khai các dự án CNTT. Vì vậy, tỉnh ta cần quan tâm và có sự đầu tư đúng mức hơn trong việc nâng cao trình độ CNTT cho CBCC, nhất là ở cấp huyện, xã.
MAI HỒNG