Cầu tiên
Truyện ngắn của TRIỀU LA VỸ
Rước người hoa chẳng biết tên
Hơi hương xa thổi vào rèm gió trăng (1)
Quỳnh Phủ là con nhà nghèo nhưng hiếu học, sớm có hoài bão lớn. Khoa thi Canh Thân năm Tự Đức thứ mười ba, Quỳnh Phủ thi đỗ tú tài. Nhưng đi thi cử nhân mãi không đậu. Lần nào cũng vậy, cứ vào đến trường thi, lúc chuẩn bị làm bài thì bất giác thấy lòng bấn loạn, rồi ngửi thấy một mùi hương hoa phảng phất dễ chịu khiến lòng chàng cứ lâng lâng xao xuyến. Trong lúc mê mê tỉnh tỉnh Quỳnh Phủ thấy một người con gái xinh đẹp ngồi trước chõng chơi đàn. Tiếng đàn khi nhặt khi khoan, lúc trầm lúc bổng. Khi hùng tráng hào sảng, lúc lại bi ai não nùng. Chàng vì vậy không tài nào làm trọn bài thi đặng, lòng chán ngán khoa danh về nhà mở trường dạy học. Lúc rảnh rỗi còn soạn tuồng hát bội. Nhờ hay chữ học trò đến xin thọ giáo rất đông.
Quỳnh Phủ trước ở làng Nhơn Ân, sau vì kế sinh nhai về lập nghiệp ở Kỳ Sơn. Nhà chàng nằm dưới chân một ngọn núi có đỉnh hình con chim phượng đang bay. Đỉnh núi ấy gọi là đỉnh Phụng. Dưới đỉnh núi này nổi lên một dãy gò cong cong hình bán nguyệt. Đó là gò Phụng.
Những đêm trăng sáng, nhất là đêm rằm, Quỳnh Phủ thường thấy trên gò Phụng về khuya thấp thoáng bóng giai nhân và văng vẳng tiếng đàn. Hỏi ra thì chẳng ai biết gì. Chàng lấy làm lạ, tưởng mình quáng mắt nhìn gà hóa cuốc. Nhưng thỉnh thoảng Quỳnh Phủ còn gặp tiên trong giấc mơ, gặng hỏi gì người ấy cũng không nói, chỉ lúc khóc lúc cười. Dần dà, lòng chàng thấy nhớ nhớ thương thương, thấy gần gũi thân thiết như tri kỷ. Quỳnh Phủ nhiều lần lên gò Phụng mà chưa lần nào gặp được tri âm. Rồi nhờ duyên may học được cách lập đàn cầu tiên. Đêm trăng tròn tháng nọ, chàng túi thơ bầu rượu quyết gặp cho được giai nhân cho thỏa nỗi nhớ mong.
Tranh của họa sĩ HÀ HUY MƯỜI
Gò Phụng gió hiu hiu, khói sương mờ ảo dưới bóng trăng. Quỳnh Phủ chọn một chỗ đất cao ráo đặt cái bàn tre và một chậu sành đựng cát trắng tinh, bên trong cắm một cây bút bằng gỗ đào. Bàn cầu tiên hướng mặt về Đông. Phía ấy chừng vài chục dặm có núi Xương Cá. Nghe đồn rằng ông Khổng Lồ đã bắt cá dưới đầm Thị Nại gần đấy để ăn. Cá ngon quá, ông Khổng Lồ ăn mãi không thấy chán rồi bội thực chết bên đống xương. Cái đống ấy lâu ngày qua mưa gió nắng sương cát bụi mà thành núi. Vì vậy mà linh lắm. Quỳnh Phủ sắp hoa quả, chong đèn rót rượu, rồi thắp ba nén hương lầm rầm khấn vái tên họ và ý muốn gặp tiên. Chờ đủ ba tuần rượu, lúc hương cũng vừa tàn quá nửa, Quỳnh Phủ bắt đầu ngâm nga bài thơ triệu thỉnh thần tiên mà chàng đã ứng tác trong một giấc mơ tiên:
Thần Tiên! Thần Tiên!
Ứng hiện tự nhiên
Ba mươi sáu động
Rực rỡ cảnh tiên (1)…
Quỳnh Phủ chưa ngâm hết bài thơ đã nghe gió thổi xào xạc, cát bay rào rào. Rồi một mùi thơm nhẹ và thanh như hương nhài quấn quýt quanh bàn cầu tiên. Chàng rùng mình. Cây bút đào chợt di động, nét chữ hiện hình. Người quen mà không nhận ra sao. Quỳnh Phủ kinh hãi dập đầu lạy ba lạy xin cho biết quý danh, sợ lỡ lời với quý nhân mà mất mạng. Tiên liền cho thơ rằng:
Hoa tàn gió chẳng nhớ tên
Hương xuân còn đọng bên rèm sương trăng (1)
Lời trách nhẹ nhàng mà lòng chàng xuyến xao lay động. Quỳnh Phủ đoán người đó rất nặng lòng với chàng, vì ở cảnh tiên không muốn ai nhớ tới tên mình, nhưng tình thì lưu luyến lắm. Chàng hít sâu một hơi thở rồi thong thả ngâm tiếp hai câu thơ:
Người tiên kẻ ở dưới trần
Nợ duyên biết có mấy phần cho nhau
Bút đào run rẩy, ngực chàng phập phồng.
Dùng dằng nghĩa trước, tình sau
Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang (1)
Quỳnh Phủ tái mặt biết mình đã lỡ lời, không biết làm sao đành ngồi im nhìn trân trân vào mặt cát trong chậu sành, mồ hôi ướt lạnh sống lưng. Chàng rùng mình như muốn xua tan cơn ác mộng. Hình ảnh người con gái năm xưa ngồi vá áo cho chàng trong những ngày trọ học cứ hiện lên rõ mồn một khiến chàng thấy ray rức tủi hổ. Giá như chàng không vì chữ hiếu, không nghe lời mẹ đi cưới người khác thì nàng đâu chết thảm dưới giếng sâu. Ngọc đã nát, hoa đã tàn, Quỳnh Phủ này bao nhiêu kiếp mới trả hết duyên nợ cho nàng.
- Chàng đừng quá đau buồn mà sinh bệnh. Thiếp đã siêu thoát cõi tiên. Kiếp này không trọn nghĩa phu thê, xin hẹn kiếp sau.
Bút đào ngả nghiêng, run bần bật dưới ánh trăng. Hòn Xương Cá cũng rùng mình, lấp lóa những vảy bạc xanh xao nhợt nhạt phía đằng Đông.
Người và tiên im lặng hồi lâu, chợt có tiếng hạc kêu giữa lưng chừng trời. Từ trên mình hạc, một nàng tiên nữ bước xuống gò Phụng, gật đầu cười mỉm với Quỳnh Phủ như đã quen thân từ lâu. Rồi nàng ung dung ngồi xuống ôm đàn dạo một khúc xuân. Tiếng tơ dìu dặt, hồn tiên trong vắt vút lên giữa trời xanh. Trăng bỗng sáng rờ rỡ. Hòn Xương Cá lóng lánh vảy bạc như đàn cá hồn nhiên đang quẫy đuôi đùa giỡn dưới ánh trăng rằm.
Tiên Cô chợt ngừng tiếng đàn, mặt nguyệt ngời ngời, môi hoa chúm chím. Nàng cất tiếng ngâm:
Gió thanh phủi sạch bụi đời
Tình trong sơn thủy, (mà) cuộc ngoài càn khôn (1)
Quỳnh Phủ thấy phấn khích. Lòng chàng ngân lên như dây đàn chạm đúng âm giai. Chàng nối theo lời nàng. Ý tìm ý. Tình nối tình. Kẻ xướng người họa. Tâm đắc vô cùng. Trăng ngã về Tây. Chân hạc bồn chồn. Tiếng hạc hối thúc. Quỳnh Phủ bỗng thấy hai tay mình hóa thành một đôi cánh mỏng.
Bay. Quỳnh Phủ bay. Chàng đang bay bên cạnh tiên nữ dưới ánh trăng rằm. Quỳnh Phủ đã bao lần muốn bay, ước mơ được bay lên bay cao bay xa như chim Hồng chim Hộc. Nhưng chàng đã không thể bay qua cánh đồng Nhơn Ân vàng ươm nắng ca dao, không thể bay qua đỉnh Phụng nhỏ nhoi kiêu hãnh giữa lưng trời. Chàng không thể bay qua số phận mình. Đã lâu rồi Quỳnh Phủ không dám ước mình được bay dù bằng đôi cánh của kẻ khác. Đã lâu, chàng đánh mất bản năng đập cánh của chính mình. Giờ, chàng đang bay. Bằng đôi cánh của riêng mình giữa bãng lãng khói sương, giữa biển mây trắng xốp bồng bềnh rờn rợn ánh trăng.
Tiên Cô vuốt đầu bạch hạc: Ta đến động thi nhân nhé.
Bạch hạc gục gặc đầu kêu lên ba tiếng, chao cánh một vòng, rồi đáp xuống trước một hang động. Quỳnh Phủ và Tiên Cô bước vào. Hang đá nhỏ, trần thạch nhũ lung linh ánh sáng. Một con suối từ trên không chảy xuống, róc rách róc rách. Nước suối trong veo nhìn thấu tận đáy. Từng đàn cá màu sắc sặc sỡ tung tăng bơi lội, đua nhau quẫy đuôi đớp bóng. Đường đi dọc theo suối, gập ghềnh lởm chởm chỉ đủ một người bước. Đi chừng vài dặm thì ra khỏi hang. Trước mặt là một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo, ánh trăng sáng rờ rỡ như ban ngày. Quỳnh Phủ thích lắm lăng xăng chỗ nọ chỗ kia. Xa xa, nơi dòng suối uốn quanh có cây cầu nhỏ bằng vàng soi bóng xuống dòng suối xanh biếc. Một ông lão tướng người nho nhã, râu tóc bạc phơ gánh một gánh nước đi qua cầu, đổ nước qua bờ bên kia. Rồi lại gánh nước từ bờ bên kia sang đổ qua bờ bên này. Cứ thế qua lại không biết chán. Quỳnh Phủ lạ lắm, hỏi Tiên Cô:
- Ai đó?
- Một đại quan nhà Lê, người viết Bình Ngô Sách.
- Thì ra là Ức Trai tiền bối. Một chữ nhân nghĩa mà đuổi được mấy vạn giặc thù. Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê, tiếc là vì nữ sắc mà liên lụy ba họ.
- Bịa đặt, bịa đặt. Những lời trâng tráo đó của bọn sử quan bồi bút mà chàng cũng tin sao.
Quỳnh Phủ nhún vai:
- Ta đến chào tiền bối, tỏ lòng kính trọng được chăng?
- Ức Trai suốt ngày tập gánh nước chẳng màng tới xung quanh nữa.
Quỳnh Phủ thở dài:
- Nước không còn Sử Ngư nữa (2), tập gánh nước làm gì.
Nói xong đi thẳng. Họ đi ven bờ suối xuôi về phương Nam. Chừng vài mươi dặm thì gặp một tảng đá cao ngang ngực chắn ngang qua suối. Ngồi chồm hỗm trên tảng đá là một thư sinh tóc vấn thành búi, tay đang mài một viên đá trong suốt như ngọc. Ánh trăng chảy ra sáng lấp lánh trên thềm rêu. Trông dáng người rất quen thuộc, Quỳnh Phủ nhăn trán không nhớ là ai, vội đưa mắt nhìn Tiên Cô. Tiên Cô tủm tỉm:
- Đây là cha đẻ của Kiều, tên là Tố Như.
Quỳnh Phủ ngớ người lật đật bước tới xá mấy xá:
- Cả đời vãn bối có nằm mộng mới may gặp mặt tiên sinh. Thật là vinh hạnh, vinh hạnh. Dám hỏi, tiên sinh đang làm gì vậy?
Tố Như tiên sinh không thèm ngó lên, giọng nửa đùa nửa thật:
- Ta đang mài trăng
Quỳnh Phủ bật cười:
- Như mài mực ấy à? Làm thơ chắc?
Tố Như ngước mắt nhìn Quỳnh Phủ, tay vẫn mài viên đá ngọc:
- Ta đang tập làm thơ đấy.
- Tài thi phú của tiên sinh nức tiếng gần xa, từng lời từng ý như châu như ngọc, cần gì phải nhọc lòng thế.
Tố Như ngừng tay mài, giọng buồn buồn:
- Mai kia có loạn buôn chữ, nhà nhà làm thơ. Ta không viết nữa, ai còn nhớ Tố Như này.
Nói xong ôm mặt khóc. Tiên Cô vội cầm tay Quỳnh Phủ kéo đi, giọng xúc động:
- Ông ấy mắc bệnh cuồng thi, suốt ngày đi tìm chữ. Cứ sợ thiên hạ không ai hiểu mình. Tội nghiệp.
Quỳnh Phủ vừa đi vừa lầm bầm:
- Quái, cứ tưởng trên non bồng văn nhân thi sĩ an nhàn thoát tục, an hưởng cảnh tiên, ai dè còn nghiện nặng hơn ở hạ giới.
Tiên Cô cả cười:
- Thân ở cõi tiên mà lòng còn nặng nợ với trần gian, khác gì ở địa ngục.
Chợt có tiếng hạc kêu, Tiên Cô quay sang Quỳnh Phủ:
- Ở đây chán lắm, không khéo làm mất nhã hứng của chàng. Ta đến động yêu nhé.
Quỳnh Phủ gật. Bạch hạc kêu lên mấy tiếng mừng rỡ. Chẳng mấy chốc đã đến động yêu. Vừa tới cổng đã có hai hàng tiên nữ múa hát đón chào. Thì ra tiệc đã bày sẵn để đợi Quỳnh Phủ.
Rượu đào dâng lên. Tiên Cô hai tay nâng rượu lên ngang mày, liếc mắt đưa tình. Quỳnh Phủ cạn chén, thấy lòng lâng lâng, người nhẹ hẫng bồng bềnh như đang trôi. Tiên Cô phe phẩy cánh quạt lông phượng, quay sang bảo bầy tiên nữ:
- Nào các em, múa hát cho hết lòng vào, đừng để công tử đây phật lòng đấy.
Các nàng tiên nữ che mặt cười khúc khích, e lệ nhún người chào Quỳnh Phủ. Nhạc tấu lên. Dìu dặt. Chập chờn hoa bướm. Quỳnh Phủ mê đắm, rượu uống hoài không biết say. Chàng ngã nghiêng, tay vuốt má nàng này, tay níu áo trêu ghẹo người kia, không cần phải giữ thể diện gì nữa. Tiên Cô cũng chẳng vừa, vừa chuốt rượu Quỳnh Phủ vừa lả lơi cợt nhả, tựa hẳn vào người chàng. Quỳnh Phủ lảo đảo rồi lăn kềnh ra đất, tay ôm riết lấy Tiên Cô, mắt nhắm mắt mở. Bọn tiên nữ được một phen cười hả hê. Hương thơm từ da thịt Tiên Cô khiến Quỳnh Phủ ngất ngây mê mệt, không còn biết gì nữa.
Chàng chợt thấy lợm giọng buồn nôn. Mùi uế khí tràn ngập không gian. Quỳnh Phủ giật mình ngồi dậy, hơi thở hổn hển. Dưới ánh trăng, chàng nhìn thấy một con cáo cái đang nằm ngủ ngon lành trên thảm cỏ nhàu nhụa mùi tình. Quỳnh Phủ kinh hãi giật lấy cây bút đào chém mạnh xuống bàn cầu tiên. Một tiếng rú đau đớn xé toạc bóng đêm. Ánh trăng rơi loảng xoảng. Hòn Xương Cá vỡ toác làm đôi.
Quỳnh Phủ tiên sinh thức giấc, ngơ ngác thấy mình đang ngồi bên án thư. Ngọn nến cháy gần tàn, đặc quánh dưới chân sáp những giọt lệ hồng. Lạ chửa, kịch bản vở tuồng Miếu cổ vãn ca (3) vừa viết xong hồi kết còn thơm mùi mực. Trên trang cuối, ai đó vừa sổ một đường gạch chéo đỏ tươi như máu và sắc như một nhát gươm.
(1) Thơ và tuồng của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu (Nguyễn Diêu là thầy của Hậu Tổ tuồng Đào Tấn).
(2) Ai ai giờ cũng bằng câu hết, nước chẳng còn có Sử Ngư (Mạn thuật bài 14, Nguyễn Trãi).
(3) Tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo - Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu.