Rơm rạ thơm ngát
Tản văn của ĐINH HẠ
Mùa đã gặt xong, còn lại cánh đồng chơ vơ gốc rạ. Chiều chiều, còn vài con trâu con bò thong thả gặm chậm rãi như nỗi niềm gì đó lắm. Lũ trẻ thơ thẩn chơi nơi gốc đa đầu làng trong ưu tư miên man bởi tác động của thời tiết thời biến đổi khí hậu.
Ngày xửa ngày xưa, đến mùa lúa chín nhà nông huy động hết mọi thứ có thể để đưa lúa về nhà, rồi đập, dê, sàng, sảy... Phần thân trên cây lúa sau khi tách hạt gọi là rơm. Người ta chất từng xe rơm đầy ra rải dọc đường làng hoặc bờ đê dọi nắng cho mau khô. Sau đó, họ chọn những cây tre dài thẳng làm cọc trụ để xây nên những cây rơm cao vút. Hương đất, hương lúa, cả vị mặn mòi của những giọt mồ hôi vẫn đọng lại trên rạ rơm để người xa quê cũng nhớ thương mà náo nức khi mùa về mà thảng thốt “Lúa gặt rồi - còn để lại rơm thơm/ Trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh...” (Lê Huy Mậu). Rơm tích trữ để thức ăn cho trâu bò. Ngày xưa, rơm còn là vật liệu trộn với bùn non, trát lên những thanh tre đan bốn bức vách nhà cho kín để rồi có câu thành ngữ “nhà tranh vách đất”.
Những sợi rơm tốt, dài, cứng thân được bà ta, mẹ ta lựa kỹ làm thành những chiếc chổi với đủ thứ công dụng để rồi nên câu hát “một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm...” (Hà Đức Hậu). Không hiểu có phải vị đất, vị quê không mà kể cả ngày nay, khi làm thịt gia súc, gia cầm... đem thui bằng rơm xong nấu lên cảm giác vẫn ngon hơn giờ khò bằng lửa gas. Ngày xưa, nhìn trước cổng sau vườn nhà ai có đống rơm to cũng xem như là một biểu hiện của sự sung túc. Đống rơm ấy là nơi trai gái quê hò hẹn. Đống rơm còn là chiến trường của những ngày lũ trẻ không ngủ, bày trò đánh trận giả náo động cả trưa hè. Những đứa trẻ quê ngày ấy, giờ tứ tán phương xa, có nhớ lần nghịch dại chơi trò nấu ăn để rồi cháy cả đống rơm khiến bao người vất vả xách từng xô nước, làm đổ cây, cào rơm ra mới dập tắt ngọn lửa. Kỷ niệm ấy có thảng thốt trong giấc mơ để rồi “Bao năm xa quê/ Vẫn phảng phất hương bưởi nồng nàn đầu ngõ/ Nhớ đống rơm con ngủ vùi ấm hơn cả nệm êm” (Trần Nguyệt Ánh)...
Tranh của họa sĩ BÙI MẠNH
Làm nông thời công nghệ cao, máy móc thay thế dần cho mọi công đoạn. Con trâu không còn phải kéo cày đầu cơ nghiệp nên dần vắng bóng trên cánh đồng làng. Rơm rạ chỉ còn một số ít nhà có nhu cầu sử dụng mà thôi. Nhà nào nuôi nhiều trâu bò hoặc làm nấm sạch thì đi chở rơm về; còn không máy gặt đập liên hoàn nhả rơm ngay trên ruộng, chờ cần nhiều rơm thì cũng sẽ dùng đến những bánh rơm cuộn thật chặt, thật gọn thành ra giờ ngay cả ở những nhà cần nhiều rơm vẫn ít khi thấy có cây rơm. Không dưng, lòng tự nhiên chợt nhớ thảng thốt những buổi ngày xưa đi học, gò lưng đạp xe trên con đường dằng dặc rạ rơm ngày mùa; chợt tiếc nuối cái mùi rơm thơm no ấm, nhớ vị đất bãi đồng quê để rồi chợt ao ước được trở về trong nồng ấm rơm rạ quê hương...
Nhưng cuộc sống luôn thế, cứ bương bả vươn về phía trước, hoài niệm thì hoài niệm thế thôi chứ nào ai chỉ vì một chút hương rơm thơm lại kéo mình lùi về xưa cũ đâu. Rồi thì bọn trẻ của hôm nay sẽ lại có ký ức khác về máy gặt đập liên hợp, đánh rơm thành cuộn, về những cánh 3 giảm 3 tăng ngát thơm hương lúa chín và tiếng côn trùng rả rích, ếch nhái à uôm chứ không phải như thời tôi trưởng thành chỉ thấy toàn mùi hóa chất vô cơ, thuốc trừ sâu diệt cỏ diệt cả thiên địch... lúa đồng tốt thế mà hạt gạo trắng làm ra lại không được gọi là gạo sạch.
Rạ rơm quê nhà sẽ lại thơm theo kiểu của hôm nay, sạch và lành.