Sức mạnh của yêu thương
Đó là một buổi chiều giáp Tết sau năm 1975. Trời sâm sẩm tối thì có một người mặc sắc phục công an đi thẳng vào nhà tôi. Khi đó tôi ngồi ở chỗ lan can xi măng trước nhà, tôi e dè nhìn ông ta vào nhà.
Tôi nghe ba tôi chào. - Dạ! Xin chào ông!
- Không thưa thầy! Em là Bàng đây! Thầy quên em rồi sao? Em là Bàng học sinh của thầy đây mà…
Tiếng ba tôi đáp, nhỏ hơn một chút nữa nhưng tôi vẫn nghe được.
- Vâng tôi còn nhớ. Mời ông ngồi. Nhưng bây giờ ông khác quá…
Tôi lén ngó vào trong, ba tôi mấy lần mời ông khách ngồi. Nhưng ông khách vẫn xin phép đứng thưa chuyện. Mãi một lúc sau ông mới ngồi. Hai thầy trò rì rầm trò chuyện với nhau. Tôi tò mò quá, lẻn ra phía sau, chỗ cửa sổ đường luồng bên hông để xem thử ông công an kia có làm gì ba mình không. Nhưng cuối cùng chỉ toàn nghe ông ấy dạ.. dạ.. dạ thưa thầy… Rồi thì đùn qua đẩy lại một thứ gì đó, cuối cùng nó ở yên trên bàn thuốc, còn ông ấy lễ phép đứng lên, ôm mũ, chào ba tôi ra về.
Ông ấy về rồi, gương mặt ba tôi dần dãn ra và nhường chỗ cho một niềm vui thấp thoáng. Khách về rồi ba tôi thong thả mở cuộn giấy ra, đó là một cuốn lịch kiểu như lịch 5 - 7 tờ như bây giờ. Ít hôm sau, ba tôi treo cuốn lịch ấy ở chỗ trang trọng nhất. Nơi mà khi ông ngồi làm việc và có thể nhìn thấy nó ngay.
Người công an ở trên là chú Phạm Bá Bàng, học trò tiểu học của ba tôi. Sau lần ấy, cứ giáp Tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 và kỷ niệm ngày sinh của ba tôi, chú thường xuyên đến thăm, chúc mừng thầy mình. Qua bạn bè khi biết chuyện thầy không ưng, không bao giờ chú mặc cảnh phục khi đến thăm thầy. Những lần mừng thọ thầy, chú rất hãnh diện khi kể lại những kỷ niệm ngày còn là học trò của ba tôi.
Cách đây ít lâu, nhân một lúc chuyện vãn, ngồi chơi với chú, chú lại hỏi: Chú nay đã qua cái ngưỡng “xưa nay hiếm” rồi đấy! Nhưng những điều mà ba con dạy, chú vẫn nhớ như in là vì sao con có biết không? Hỏi nhưng rồi chú trầm trầm giải thích luôn…
Ngày ấy người thầy không chỉ dạy chữ đâu, mà sẽ dạy tất cả những gì họ tin rằng học trò của mình cần biết, nên biết và phải biết. Chú và bạn bè không chỉ được học toán tính, mà còn học cả lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, địa dư, phong thổ, tín ngưỡng, tập tục… của quê hương, kiểu như bây giờ hay nói là “giáo dục kỹ năng”, “giáo dục địa phương” đấy. Đặc biệt tất cả được trao truyền với trọn vẹn yêu thương. Thầy không chỉ là thầy ở trên lớp, trong trường, mà cả ra đường, gặp nhau ở mọi không gian khác cũng thế, thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Chú mang tất cả yêu thương của thầy mình lên đường tập kết ra Bắc, trở thành học sinh miền Nam, rồi tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc lúc nào cũng nghĩ tới thầy và niềm yêu thương mình đã nhận.
BÁ PHÙNG