Nhật Bản và nỗi lo thiếu hụt lao động nhập cư có tay nghề
Weng Fei (Trung Quốc), làm việc tại một công ty xây dựng ở tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản, là người nước ngoài đầu tiên ở đây được cấp thị thực (visa) kỹ năng đặc định số 2 dành cho lao động có tay nghề hồi tháng 4.2022. Với điều kiện của visa cho phép bảo lãnh người thân và không giới hạn số lần gia hạn, vợ chồng anh cũng được đoàn tụ và hiện lên kế hoạch làm việc lâu dài tại đây.
Ông Taketo Kano, lãnh đạo công ty nơi Weng làm việc, cho biết, ông tin tưởng Weng và giao cho anh quản lý một nhóm nhân viên có cả người Nhật Bản và lao động nước ngoài. Ông đã giúp Weng đạt đủ điều kiện được cấp visa này, nhưng cũng thừa nhận tốn nhiều thời gian, nên cần phải kiên trì.
Hiện chỉ những lao động nước ngoài có kỹ năng trong các lĩnh vực đóng tàu và xây dựng có thể nộp đơn xin cấp visa số 2 như Weng.
Tính đến cuối năm ngoái, số lao động nước ngoài giữ visa số 1 là khoảng 130 nghìn người, trong đó, lao động Việt Nam chiếm đa số (77.000 người).
Lao động Việt Nam đạp xe tại một trang trại cà chua ở Asahi, tỉnh Chiba (Nhật Bản). Ảnh: BLOOMBERG
Cách đây 5 năm, một lao động nước ngoài từng quyết định chọn Hàn Quốc, thay vì Nhật Bản cho biết, ở đây có rất nhiều mạng lưới hỗ trợ những người như cô và có cung cấp cả các lớp học tiếng Hàn miễn phí. Đài Loan cũng đang dần thu hút lao động nhập cư hơn. Trong khoảng từ tháng 1 - 3.2023, số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan là hơn 18.000 người, cao hơn so với số lao động đến Nhật Bản cùng kỳ. Tại đây, lao động nước ngoài không phải trải qua các bài kiểm tra kỹ năng hay ngôn ngữ như ở Nhật Bản. Ngoài ra, họ còn có cơ hội làm việc tại hòn đảo này đến 12 năm.
Nhận thấy những bất lợi này, mới đây, lãnh đạo phụ trách vấn đề nhập cư và các cơ quan liên quan của Nhật Bản đã họp bàn về những đề xuất thay đổi quy định trong cấp visa, cho phép lao động nước ngoài ở lại lâu hơn và thậm chí có thể định cư lâu dài. Visa dành cho “lao động có kỹ năng đặc định” được chia làm 2 loại, với visa số 1 dành cho lao động nước ngoài có tay nghề có thể tìm việc ở 12 ngành nghề trong 5 năm, trong khi người giữ visa số 2, chỉ áp dụng cho lĩnh vực đóng tàu và xây dựng, có thể gia hạn nhiều lần và được mang theo người thân (vợ/chồng, con). Quy định cho visa số 1 đang được đề nghị loại bỏ, nhằm cho phép lao động nhập cư được phép gia hạn visa và sau đó thể nộp đơn xin định cư.
Nhiều công ty rất mong chờ sự thay đổi này, để có thể đào tạo và giao cho lao động nhập cư những vị trí cao hơn, như quản lý hay điều hành, chẳng hạn như Watami, công ty quản lý chuỗi nhà hàng, có 250 lao động nước ngoài làm việc tại các cơ sở khác nhau hay tại các nhà máy trực thuộc quản lý của tập đoàn hải sản Maruha Nichiro, nơi có khoảng 15% lực lượng lao động là người nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phe bảo thủ trong chính phủ Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục phản đối việc nới lỏng nhập cư, với lý do là việc tự động hóa và sử dụng robot mới là giải pháp lâu dài.
Theo giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo, Stephen Nagy, nếu Nhật Bản muốn thu hút lao động chất lượng cao từ Đông Nam Á, thì các quy định mới phải hấp dẫn hơn điều kiện visa của những thị trường khác, như Hong Kong, Singapore, Úc và Hàn Quốc.
LÊ QUẢNG (Theo Kyodo, Nikkei Asia)