Phòng khám đa khoa khu vực:
Cần được đầu tư trọng điểm
Phòng khám đa khoa khu vực (gọi tắt là phòng khám) thực hiện chức năng khám chữa bệnh, nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân trong vùng dân cư nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế không phải phòng khám nào cũng duy trì tốt chức năng này.
Toàn tỉnh hiện có 5 phòng khám: Hoài Hương (đóng tại xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), Bình Dương (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ), Cát Minh (xã Cát Minh, huyện Phù Cát), Phước Hòa (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và phòng khám số 4 (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn).
Vai trò lớn
Hơn 9 giờ sáng 31.7, có hơn chục người xếp hàng ngồi chờ khám bệnh ở hành lang phòng khám Cát Minh. Vừa khám xong cho một bệnh nhi bị cảm sốt, bác sĩ Nguyễn Tấn Vũ cho biết: “Ở đây, phổ biến nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa”.
Phòng khám Cát Minh làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân 5 xã Cát Tài, Cát Minh, Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải với gần 100 ngàn dân. Bên cạnh đó là một lượng lớn học sinh của các trường học trên địa bàn. Mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đến khám, 3-4 người điều trị nội trú. Trong 7 tháng đầu năm 2014, có 39 ca sinh tại phòng khám. Trưởng phòng khám Hồ Đình Dũng cho biết: “Địa bàn phục vụ nằm xa Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phù Cát, nên phòng khám đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương”.
Cũng “xa xôi” không kém là phòng khám Hoài Hương. Phòng khám có trang thiết bị khá đầy đủ: máy xét nghiệm tự động, máy huyết học, sinh hóa, máy siêu âm, phòng răng… “Phòng khám phục vụ cho bà con 4 xã Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Mỹ, Hoài Hải. Bình quân mỗi ngày có khoảng 50-60 lượt người đến khám, lượng bệnh nhân “vượt tuyến” rất ít”, Trưởng phòng khám Lê Thanh Quang cho hay. Thêm một lợi thế của phòng khám Hoài Hương là ở khu vực này có khá nhiều xe taxi, thuận tiện cho việc chuyển viện.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, phòng khám có các chuyên khoa cơ bản như nội, ngoại, sản, nhi, có bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, ở nước ngoài thậm chí còn được trang bị xe cứu thương. Hiện nay, chúng ta tập trung xây dựng trạm y tế để hoàn thiện cả 2 chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh. Tuy nhiên, với điều kiện khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất như hiện nay và thực tiễn trong những năm qua cho thấy, chức năng khám chữa bệnh khó có thể phát triển được hơn nữa, mà chỉ có thể gói gọn trong cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường.
“Phát triển phòng khám sẽ sử dụng được nguồn nhân lực hiệu quả hơn, đặc biệt là bác sĩ; tiết kiệm trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; mở rộng được phạm vi khám chữa bệnh, vì trạm y tế thì không thể phát triển được khám chữa bệnh đa khoa, không làm được xét nghiệm, không thực hiện được chẩn đoán hình ảnh... Phòng khám giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, làm giảm tải cho tuyến trên”, bác sĩ Hùng phân tích.
Cần đầu tư có trọng điểm
Tuy có vai trò khá quan trọng, nhưng nhiều phòng khám phải đối mặt với không ít khó khăn. Y sĩ Đinh Trọng Toàn - người gắn bó với phòng khám Cát Minh lâu nhất (từ năm 1986), lo lắng: “Phòng khám được xây dựng từ năm 1976, sau đó cũng được xây lại, sửa chữa. Nhưng giờ phòng ốc xuống cấp, cũ kỹ và chật hẹp quá”. Thiếu phòng, phòng khám đành bố trí 1 phòng “3 trong 1”, với 3 chức năng của phòng cấp cứu, tiêm, tiểu phẫu.
Thêm vào đó, việc chỉ được cấp 1 “suất” trực đêm cũng khiến các y bác sĩ nơi đây chật vật. “Phòng khám nằm bên tỉnh lộ 633, lượng xe cộ qua lại đông đúc nên thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn giao thông (55 ca từ đầu năm đến nay). Không chỉ trực cấp cứu, người trực còn phải chăm sóc bệnh nhân nội trú kiêm luôn bảo vệ. Để giải quyết khó khăn, phòng khám chia suất trực này thành 2, một người trực tại phòng khám, người còn lại ở nhà nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng điều động. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Với phòng khám Hoài Hương, khó khăn lớn nhất là thiếu bác sĩ. Phòng khám hiện có 10 người, nhưng chỉ có 1 bác sĩ. Bác sĩ Quang trăn trở: “Bác sĩ trực ngày hôm trước, hôm sau phải nghỉ bù, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng không giải quyết được”.
Trong khi các phòng khám khác có tần suất khám cao, thì ở phòng khám số 4 phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn lại đìu hiu. Theo Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Đỗ Tiến Dũng, dù có đầy đủ các chuyên khoa nhưng mỗi ngày phòng khám số 4 chỉ đón 6-10 bệnh nhân. “Ngoài người dân phường Bùi Thị Xuân, phường Trần Quang Diệu và xã Phước Mỹ, phòng khám còn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho công nhân khu công nghiệp Phú Tài. Trước đây, lượng công nhân rất lớn, phòng khám hoạt động tất bật. Nhưng nay chỉ còn chức năng cấp cứu là chính. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải “nuôi” đến 11 người, trong đó có 2 bác sĩ. Thật là bỏ thì thương, mà vương thì tội”, bác sĩ Dũng tâm tư.
Bác sĩ Lê Quang Hùng cho rằng, phần lớn các phòng khám được thành lập đã lâu, một số phòng khám có thể không còn vai trò đúng nghĩa vì đã có nhiều thay đổi trong việc tiếp cận cơ sở y tế. “Phòng khám nào phát triển tốt thì tiếp tục đầu tư, mở rộng; còn cái nào chưa hiệu quả thì rà soát, tìm hiểu nguyên nhân rồi quyết định. Việc phát triển phòng khám còn phải dựa trên định hướng của Bộ Y tế”, bác sĩ Hùng cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG