Cần thêm sân chơi cho trẻ trong dịp hè
Hè là khoảng thời gian trẻ em được nghỉ ngơi, vui chơi. Trong khi trẻ ở khu vực đô thị dễ tiếp cận, tham gia các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể thao tại công viên, khu vui chơi… thì ở khu vực nông thôn vẫn rất khó tìm được một sân chơi an toàn, bổ ích.
Thiếu sân chơi ở vùng nông thôn, miền núi
Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, rất hiếm sân chơi hè đúng nghĩa dành cho trẻ.
Dưới cái nắng chói chang của buổi trưa hè tháng 6, trên tuyến đường liên xã thuộc thôn 1, xã An Trung (huyện An Lão), chúng tôi tình cờ bắt gặp một nhóm trẻ đang ngồi đánh bài trước hiên nhà.
Chúng tôi tới bắt chuyện, Đ.V.Q. (SN 2010, ở thôn 1) cho hay, vì gia đình khó khăn nên em thường lên rẫy phụ giúp cha mẹ. Mấy hôm nay cha mẹ ở nhà, không có gì làm nên em rủ thêm một số bạn gần nhà cùng ngồi đánh bài quẹt lọ. “Gần như cả ngày chúng cháu tự tìm trò chơi, quanh quẩn ở nhà hoặc chỉ chờ đến chiều thì xin phép cha mẹ cho đi tắm suối, câu cá... Ở đây chỉ có mấy trò này thôi!”, Q. chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện An Lão Bùi Thu Thảo cho biết, hiện nay, các sân chơi dành cho thiếu nhi chỉ tập trung ở các trường mầm non, còn ở các trường tiểu học, THCS, khu dân cư hầu như không có. Vào dịp hè, các trường đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho học sinh về địa phương; tuy nhiên, việc tổ chức, tập hợp, tạo sân chơi cho trẻ em rất khó, bởi nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm phụ giúp gia đình nên khó tập hợp. Hơn nữa, kinh phí ít nên các đơn vị chưa đủ điều kiện tổ chức được nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác.
Thiếu nhi huyện Tây Sơn học võ trong dịp hè tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi huyện. Ảnh: D.Đ
Để tìm hiểu về việc trẻ em vùng nông thôn “chơi gì và chơi ở đâu” trong ngày hè, chúng tôi tiếp tục đi đến một số vùng nông thôn khác của các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân… Bên cạnh việc tắm sông, suối, chúng tôi còn bắt gặp những nhóm trẻ tụ tập trên cánh đồng, bãi đất trống để chơi các trò chơi dân gian. Một số khác đá bóng dưới lòng đường, leo trèo cây, tiềm ẩn xảy ra tai nạn thương tích. Còn tại các địa phương có tiệm internet, hầu hết các tiệm đều có đông trẻ em từ 12 - 15 tuổi đang say sưa chơi các trò game online.
Từ đầu hè đến nay, ngày nào trước khi đi làm chị Nguyễn Thị Lập (ở thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cũng dặn các con chỉ chơi trong sân nhà, không được chạy ra đường. “Cha mẹ đều đi làm cả, các cháu ở nhà cả ngày với bà nên tôi thường dặn không được ra đường chơi, nhất là không theo bạn ra tắm suối, vì trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ trẻ đuối nước rồi. Biết là nghỉ hè các con cần được vui chơi, nhưng không có sân chơi nên đành bắt con ở nhà để mình yên tâm đi làm”, chị Lập nói.
Cần quan tâm nhiều hơn
Thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động, trẻ khó phát triển toàn diện mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích hoặc sa đà vào những trò chơi điện tử. Vì vậy, việc tạo sân chơi cho trẻ em nông thôn dịp hè cần được quan tâm hơn.
Gần đây, nhiều tổ chức Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều sân chơi, điển hình như Thị đoàn Hoài Nhơn tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi tại xã Hoài Phú; Thị đoàn An Nhơn tổ chức dạy cho học sinh cách chơi trống djembe (một loại nhạc cụ truyền thống của châu Phi) kết hợp với âm nhạc Việt Nam… Các hoạt động này ít nhiều cũng tạo thêm sân chơi ngày hè bổ ích cho trẻ.
Còn tại huyện Tây Sơn, để tạo sân chơi cho thiếu nhi, từ đầu tháng 6.2023, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi huyện phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT huyện, Trung tâm Giáo dục Trung Kiên tổ chức các lớp năng khiếu nhảy aerobic, võ, nhạc, vẽ… cho gần 200 thanh thiếu nhi.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, thời gian qua, huyện đã quan tâm chăm lo, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu nhi trên địa bàn, như đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, khu phố; xây dựng mới khuôn viên, sân bóng chuyền, bóng đá tại các trường tiểu học, THCS; vận động DN tặng hồ bơi cho các trường…
“Tuy nhiên, do nguồn lực của huyện có hạn, nhiều địa phương vẫn chưa đầu tư được các khu vui chơi, giải trí nên ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hè của các em. Trong thời gian tới, huyện sẽ tìm nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa tạo các sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư; chú trọng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, mang tính cộng đồng để thiếu nhi được tham gia, phát triển toàn diện”, ông Phú nói.
DUY ĐĂNG