Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất
Ðây là chỉ đạo quan trọng của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13, khóa XX bàn phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị 6 tháng cuối năm 2023, diễn ra ngày 16.6.
Chủ trì Hội nghị còn có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13. Ảnh: N.H
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo đánh giá tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thế giới diễn biến phức tạp, thị trường thu hẹp… tác động tiêu cực đến cả nước nói chung và Bình Định nói riêng. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, của cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng.
Ước tính tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh tăng 6,46%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,27%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,91% (riêng công nghiệp tăng 3,49%); dịch vụ tăng 7,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,75%; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 5.727 tỷ đồng.
Hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội diễn ra sôi nổi; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; an sinh xã hội đảm bảo, đời sống của nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
Chế biến đồ gỗ tại Cụm công nghiệp Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn. Ảnh: N.H
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, tuy nhiều lĩnh vực tăng trưởng nhưng nhiều chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng sụt giảm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN khó khăn, dẫn đến giá trị sản xuất nhiều ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành, cải tiến lề lối làm việc theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trong chỉ đạo cần phân công, giao trách nhiệm cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Ðồng thời, tăng cường sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chung, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023, tạo đà cho những năm tiếp theo”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Lý giải về nguyên nhân làm sụt giảm chỉ số sản xuất công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết: Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tình trạng đơn hàng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như gỗ chế biến, giày dép, thủy sản… giảm sút do lạm phát tăng cao ở một số nước, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, lãi suất vốn vay lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn vẫn còn ở mức cao làm tăng chi phí, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Những yếu tố trên, cộng với việc thị trường bất động sản “đóng băng” nên trong 6 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt hơn 5.722 tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán năm, giảm 24,8% so với cùng kỳ.
“Trong 6 tháng đầu năm, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chỉ được 1.730 tỷ đồng, giảm 49,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách xuất nhập khẩu chỉ được 280 tỷ đồng, giảm 41,5%. Con số này nói lên tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải cho biết.
Quyết liệt, hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển
Theo đồng chí Lê Kim Toàn, những khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển KT-XH đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần chủ động theo dõi, cập nhật tình hình thế giới và trong nước, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.
“Ðể đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt từ 7 - 7,5%, UBND tỉnh sẽ tập trung các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong thời gian 6 tháng cuối năm. Trong đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến nông sản. Trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, sẽ đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án đầu tư xây dựng. Ðồng thời quan tâm tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư các dự án mới để sớm đi vào hoạt động, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
“Muốn tạo nguồn thu ngân sách bền vững phải tập trung phát triển sản xuất công nghiệp; quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là các dự án đầu tư mới”, đồng chí Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của Bình Định trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện đạt và vượt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đã đề ra trong năm, yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy hoạch trên các lĩnh vực, nhất là những cơ chế, chính sách, quy hoạch đã ban hành nhưng triển khai chưa hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8.4.2023 và Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 7.5.2023, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, Khu liên hợp gang thép và Bến cảng Long Sơn; dự án điện gió ngoài khơi…
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch… Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế; trong đó, đẩy mạnh công tác thu tiền sử dụng đất để đảm bảo kế hoạch chi đầu tư phát triển đã được giao. Thực hiện chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức, kế hoạch; đồng thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết.
NGUYỄN HÂN