Đề nghị nhà ở xã hội chỉ cho thuê, không mua bán
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, đề nghị chỉ áp dụng hình thức cho thuê đối với nhà ở xã hội (NOXH). Theo ông Hiển, nếu thực hiện quy định trên sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê NOXH với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp. (Ảnh: Như Ý)
Tránh việc người giàu tranh mua với người thu nhập thấp
Sáng 19.6, thảo luận về Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng chính sách về phát triển, quản lý NOXH để bán, cho thuê, cho thuê - mua là một nhóm chính sách quan trọng trong sửa đổi luật.
Tuy nhiên, nhóm chính sách này được thể hiện trong dự thảo luật chưa thể hiện trúng, xử lý đúng vướng mắc trong thực tiễn. Hệ quả dẫn đến chủ đầu tư thường lựa chọn phân khúc dễ làm hơn là đầu tư NOXH để bán, thu hồi vốn nhanh hơn mà ít chủ đầu tư quan tâm đến quản lý, vận hành NOXH, cho thuê NOXH vì phân khúc này khó làm, thu hồi vốn chậm.
Từ đó, ông Hiển đề nghị cần tách bạch giữa chính sách phát triển NOXH với chính sách quản lý vận hành; tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê - mua với đầu tư NOXH để cho thuê.
Đặc biệt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đề nghị nên sửa đổi lại khái niệm về NOXH trong dự thảo luật. Theo đó, NOXH chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê - mua.
“Nếu quy định NOXH chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê NOXH với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội", ông Hiển nêu. Theo ông Hiển, quy định tách riêng về nhà giá rẻ với NOXH sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, còn NOXH thì chỉ nên để cho thuê.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. (Ảnh: Như Ý)
Rà soát quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự
Đề cập đến việc xử lý vi phạm của Ban quản trị nhà chung cư, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là nội dung được người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Hà, quy định tại khoản 3, Điều 146 dự thảo luật: “Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại điều này và quy chế hoạt động của Ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại” là chưa thống nhất so với quy định của Bộ luật Hình sự, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị sửa khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung cụm từ “thành viên” vào trước cụm từ “Ban quản trị nhà chung cư”; bổ sung cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào trước cụm từ “vượt quá quyền hạn.
Ngoài ra, ông Hà cũng đề nghị sửa lại 2 khoản 3, Điều 152 theo hướng, trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc.
Theo Văn Kiên (TPO)