Tổng Bí thư: Phải biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư cho rằng, biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực, trên tinh thần như điều Bác Hồ đã dạy việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Sáng 19.6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, diễn ra hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
Cùng dự hội nghị có các Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, các Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương và sự tham dự của hơn 2500 đại biểu kết nối trực tuyến.
Hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung trả lời 3 câu hỏi: Vì sao chúng ta phải tổ chức Hội nghị lần này?; thứ 2 là nhìn lại 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kết quả nổi bật đạt được là gì; còn những hạn chế, khó khăn gì; đâu là nguyên nhân và những kinh nghiệm được rút ra? Và yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở là gì và chúng ta phải làm như thế nào để thực hiện được yêu cầu đó?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa thiết thực vào lúc này, và cũng là lý do hội nghị diễn ra ngày hôm nay.
Nhìn lại hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sau 1 năm thành lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi có quyết định từ Trung ương tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, với thành phần nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, theo đúng quy định. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng "Trên nóng, dưới lạnh".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Theo đó, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Chỉ trong một năm, sau khi được thành lập, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở, Bí thư và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Lào Cai, Hoà Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang,...
"Có thể thấy, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao (Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021); số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh"- Tổng Bí thư khẳng định.
Sau khi chỉ rõ 5 nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành uỷ cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phải hoạt động nề nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao; hoạt động của Ban Chỉ đạo phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, "Thành lập cho có", "Được chăng hay chớ"; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Muốn thế, phải có chương trình, kế hoạch, quy chế làm việc một cách bài bản, chặt chẽ; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo rõ ràng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao; chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực, trên tinh thần như điều Bác Hồ đã dạy việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.
Theo Văn Hiếu (VOV)