Cùng dân đánh “giặc nghèo”
Bằng trách nhiệm và tấm lòng người lính, BÐBP tỉnh và Hội CCB tỉnh đã có nhiều phong trào, mô hình để giúp người dân khu vực biên giới biển, địa bàn khó khăn từng bước thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
1.Khu vực biên giới biển tỉnh Bình Định có 33 xã, phường, thị trấn với khoảng 118.600 hộ/461.400 người dân sinh sống. Đây là lực lượng quan trọng trong việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Về khu vực biên giới biển, chúng tôi thường được nghe bà con kể chuyện BĐBP giúp dân. Ở mỗi thôn, mỗi xã là một câu chuyện hay với cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mục đích: Lo cho dân có cuộc sống ấm no.
Theo thượng tá Lê Hữu Tỷ, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, tháng 4.2022, Đồn Biên phòng Cát Khánh (đóng tại huyện Phù Cát) triển khai mô hình “Mỗi tuần giúp một hộ nghèo”. Đến hết năm 2022, mô hình này đã giúp đỡ được hơn 50 hộ nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn, qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người lính, thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Nhận được phản hồi tích cực từ cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, nhất là sự đánh giá cao về hiệu quả của mô hình từ Chủ tịch UBND tỉnh, BĐBP tỉnh đã quyết định nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn tỉnh để có thể hỗ trợ cho nhiều trường hợp hộ nghèo, gia đình khó khăn hơn nữa.
Để vận hành mô hình, các đồn biên phòng chủ động tổ chức khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh thực tế, nguyện vọng của hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau đó bàn bạc với cấp ủy địa phương và đề xuất biện pháp hỗ trợ. Nội dung, hình thức giúp người dân được triển khai đa dạng, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, phần lớn các trường hợp đã được BĐBP tỉnh tặng một số nhu yếu phẩm; sửa sang, dọn dẹp lại nhà cửa hoặc giúp đỡ ngày công.
Nhắc lại câu nói “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phan Trường Sơn chia sẻ rằng, lực lượng BĐBP xem đây không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Đại tá Sơn cho hay: “Riêng tháng 4 và 5 năm nay, các đồn biên phòng đã đồng loạt ra quân thực hiện mô hình, hỗ trợ 48 hộ nghèo hơn 100 ngày công sửa nhà, thu hoạch hoa màu, nông sản. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã tặng nhiều suất quà gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm trị giá hơn 40 triệu đồng cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
Với các gia đình nhận được sự hỗ trợ từ mô hình này, điều khiến họ trân quý là tình cảm, sự gần gũi, quan tâm thường xuyên của những người lính quân hàm xanh. Gia đình anh Nguyễn Tấn Xụi (ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) là hộ nghèo, anh bị khuyết tật bẩm sinh, nghề sửa xe đạp chỉ phần nào đủ cho cha con anh qua bữa. Hai cha con ở trong căn nhà nắng lọt, mưa thấm. Trước hoàn cảnh của gia đình anh Xụi, cùng với tiền vận động, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Khánh phối hợp với Đoàn Thanh niên xã sửa lại nhà cho anh. Mỗi cuối tuần, bộ đội lại đến thăm, động viên, giúp đỡ công việc nhà cho hai cha con. “Khi tôi cần gì, bộ đội đều hỗ trợ tận tình. Tình cảm này đúng như lời đúc kết “đi dân nhớ, ở dân thương, ra đường dân quý””, anh Xụi tâm sự.
BĐBP tỉnh giúp hộ nghèo ở khu vực biên giới biển thu hoạch nông sản. Ảnh: THANH BÌNH
2. Tương tự, thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các cấp Hội CCB tỉnh luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “cựu nhưng không cũ”, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đưa phong trào vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua công tác xã hội hóa, Hội đã vận động được nguồn kinh phí để mua và tặng 14 con bò giống (trị giá 10 - 15 triệu đồng/con) cho các hộ hội viên nghèo ở 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Trần Đức Thắng nhìn nhận: “Việc chọn lựa hội viên nghèo để hỗ trợ đã được thực hiện kỹ lưỡng ngay từ đầu nên kết quả hỗ trợ đạt hiệu quả cao. Trong số những hộ đã từng được Hội CCB tỉnh hỗ trợ thoát nghèo, rất ít hộ tái nghèo. Đặc biệt, với cách hỗ trợ cho mượn cần câu thay vì cho con cá cũng sẽ giúp các hộ nghèo có trách nhiệm hơn trong làm ăn, có điều kiện thuận lợi vươn lên, ổn định, phát triển”.
HỒNG PHÚC