Liên hợp quốc chuẩn bị thông qua hiệp ước bảo vệ các vùng biển quốc tế
Trong ngày 19.6, Liên hợp quốc (LHQ) dự kiến thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế. Đây là hiệp ước về môi trường mang tính lịch sử với mục đích bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại.
Trong ngày 19.6, Liên hợp quốc dự kiến thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế. Ảnh minh họa: AFP
Văn bản của hiệp ước đã được các bên thống nhất vào tháng 3 vừa qua, sau 15 năm thảo luận và 4 năm đàm phán chính thức. Hiệp ước sẽ là cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, chiếm hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới.
Trao đổi với báo giới, bà Liz Karan thuộc tổ chức phi chính phủ Pew Charitable Trusts đánh giá việc LHQ thông qua hiệp ước bảo vệ biển sẽ là "một thành tựu to lớn... và thực sự tạo ra con đường cho các bước đi tiếp theo".
Hiện nay, các nhà khoa học ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các đại dương đối với sự sống con người. Đây là nơi tạo ra hầu hết lượng khí oxy mà con người hít thở hằng ngày, đồng thời giúp hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ khí thải CO2. Ngoài ra, đại dương còn là “ngôi nhà” của các khu vực đa dạng sinh học, với các loài sinh vật có kích thước vi mô. Trên tạp chí The Lancet, một nhóm nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng: “Các đại dương trong lành, từ vùng nước ven biển đến vùng biển cả và vùng đáy biển sâu, là không thể thiếu đối với sức khỏe, sự an lành và sự sống còn của con người”.
Hiện tại, hầu hết các khu vực biển được bảo vệ đều nằm trong lãnh hải của các nước thành viên Liên hợp quốc. Hiệp ước sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, vốn đo bằng 200 hải lý (370km) tính từ đường cơ sở. Hơn 60% đại dương nằm bên ngoài vùng EEZ. Hiệp ước cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu. Văn kiện này cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal (Canada) tháng 12.2022.
Hiệp ước cũng thiết lập các nguyên tắc chia sẻ lợi ích của "nguồn gene biển" (MGR) được thu thập qua nghiên cứu khoa học ở vùng biển quốc tế. Đây là một điểm mấu chốt gần như đã khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ vào phút cuối hồi tháng 3 vừa qua.
Giới quan sát nhận định hiệp ước trên sẽ không khó để nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 60 quốc gia thành viên LHQ. Mặc dù hiệp ước là một bước tiến lớn trong việc thiết lập quản lý các vùng biển quốc tế, song còn nhiều vấn đề phải thảo luận liên quan việc thực thi hiệp ước này.
Theo Linh Tô (TTXVN)