Cần thiết xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở
(BĐ) - Sáng 20.6, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thống nhất với quan điểm cần phải luật hóa và tổ chức thống nhất lại lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên cơ sở các lực lượng sẵn có hiện nay, đảm bảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; là cánh tay nối dài của lực lượng CA xã và là lực lượng nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Đại biểu Lê Kim Toàn phát biểu. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Về bố trí lực lượng, ĐB thống nhất quy định “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố hoặc tại cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã” tại khoản 1 Điều 13. Tuy nhiên, quy định về đơn vị “thôn, tổ dân phố” là chưa rõ. Thôn ở đồng bằng thì tương ứng với làng; ở miền núi là phum, sóc, ấp, bản; còn ở đô thị là khu vực hoặc khu phố. Tại cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nhưng mà trong cộng đồng dân cư vẫn có “khu vực, thôn”. ĐB dẫn chứng, tại Bình Định, tổ dân phố là đơn vị dưới khu vực, khu vực là đơn vị tương ứng với thôn. Như vậy, cần phải thống nhất tên gọi về đơn vị để thể hiện một cách thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Về số lượng, dự thảo quy định theo hướng căn cứ vào tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện KT-XH của từng địa phương, trên cơ sở tổng hợp của xã, báo cáo của huyện, UBND tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định. ĐB băn khoăn, đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, ngân sách trung ương phải hỗ trợ, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng nhưng không quy định khung, như vậy sẽ không đảm bảo tính chặt chẽ. ĐB đề nghị cần quy định số lượng tối đa, trên cơ sở đó căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tế Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Về thủ tục thành lập, lựa chọn lực lượng tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐB đề nghị cần đơn giản các thủ tục thành lập nhưng phải đảm bảo chặt chẽ; đặc biệt vì đây là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện, tấn công, trấn áp tội phạm, tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền ở cơ sở, được giao công cụ hỗ trợ nên yêu cầu tiêu chuẩn tuyển chọn phải đặc biệt quan tâm. “Lực lượng này không phải là một chức danh nhưng dự thảo quy định Nhân dân bầu ủy viên, tổ viên của tổ an ninh, trật tự là chưa hợp lý. Trường hợp có người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, muốn bãi nhiệm thì phải đưa ra Nhân dân bầu lại. Quy định như vậy là rườm rà, tự làm khó mình”, ĐB Toàn góp ý và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp.
Liên quan đến kinh phí, ĐB đề nghị bố trí thỏa đáng cho lực lượng, từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật để đảm bảo hoạt động và các nguồn hợp pháp khác (nếu có). Về bố trí cơ sở vật chất, ĐB lưu ý đây là lực lượng được giao công cụ hỗ trợ, vũ khí nên yêu cầu phải bố trí địa điểm nơi làm việc vừa đảm bảo điều kiện làm việc của lực lượng, vừa đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ an toàn theo quy định.
Nguồn: BTV
Về chế độ chính sách, ĐB đề nghị nghiên cứu có chế độ chính sách tương đồng với chế độ chính sách đối với các lực lượng khác ở cơ sở như dân quân tự vệ, dân quân thường trực, dân phòng.
Về điều khoản chuyển tiếp, ĐB đề nghị có một quy định về việc chấm dứt các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật.
Cùng tham gia thảo luận, ĐB Hồ Đức Phớc cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có đặc thù là không ổn định, thay đổi liên tục, thường xuyên bổ sung, luôn luôn cơ động, luôn luôn trẻ hóa. Vì vậy, không thể “biến họ thành công chức, viên chức”, đồng thời qua cân đối ngân sách hiện nay thì nếu quy định chính sách cụ thể đối với lực lượng này thì khả năng đảm bảo ngân sách hiện nay là khó khăn. ĐB đề nghị để đảm bảo tính cơ động, kịp thời, hiệu quả và tính chủ động của chính quyền các cấp thì trước mắt nên quy định đây là khoản hỗ trợ và giao cho HĐND tỉnh quyết định theo tùy theo khả năng ngân sách của từng địa phương.
N. HÂN