Phát triển cây trồng thế mạnh ở Hoài Ân
Với mục tiêu xây dựng các mô hình khuyến nông phù hợp với thực tế địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập, nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) thực hiện một số mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ trong trồng cây ăn trái cho huyện Hoài Ân, trong đó tập trung vào bưởi, dừa xiêm, mít thái và ổi.
Năm 2016, huyện Hoài Ân bắt đầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện gắn với việc phát triển các cây trồng thế mạnh. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng một số mô hình nhằm chuyển giao ứng dụng KHKT, công nghệ cho nông dân. Từ đó đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 7 mô hình, trong đó có 5 mô hình tập trung cho cây bưởi da xanh như: Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây bưởi da xanh; tổ chức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi da xanh; sản xuất bưởi da xanh theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; thâm canh cây bưởi theo hướng hữu cơ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho bưởi Hoài Ân. Với cây dừa xiêm, trong 2 năm 2021 - 2022, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai mô hình thâm canh dừa xiêm theo hướng hữu cơ cho người dân ở xã Ân Tín và Ân Đức, quy mô 500 cây dừa từ 3 - 4 năm tuổi trở lên. Theo đó, cán bộ khuyến nông chuyển giao các giải pháp kỹ thuật thâm canh trong quy trình kỹ thuật phù hợp. Mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ, dừa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại: Bọ dừa, kiến gương, bệnh thối đọt, đốm lá gây hại nhẹ không đáng kể, hiện tượng rụng quả non giảm rõ.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn các hộ dân chăm sóc cây bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Theo ông Hàn Văn Thanh, ở xã Ân Tường Tây, với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông cùng với kinh nghiệm học hỏi được, ông chuyển đổi từ canh tác kiểu cũ sang áp dụng quy trình thâm canh bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP sử dụng các giải pháp kỹ thuật như nuôi cỏ để tạo vùng đệm lót, giữ kiến vàng bảo vệ thiên địch, dùng đèn bắt bọ, dùng chế phẩm sinh học..., không chỉ giúp trái bưởi ngon hơn mà cải thiện rõ rệt môi trường xung quanh. Đến nay, khu vườn được cải tạo theo hướng khu vườn kiểu mẫu, trở thành địa chỉ cho nhiều nhà vườn trong và ngoài huyện tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người đứng chân một số mô hình ở Hoài Ân, trao đổi, khi bắt tay vào sản xuất bà con nông dân đã biết kết hợp kỹ thuật với kinh nghiệm. Cái mình đưa tới là những cơ sở, dữ liệu khoa học để từ đó bà con áp dụng chính xác, nhanh hơn, rút ngắn thời gian. Do vậy, mỗi mô hình khuyến nông sẽ có 1 - 2 hộ trực tiếp làm và thêm 10 - 20 hộ lân cận tham gia từ đầu vào tập huấn, trao đổi và tự áp dụng, nhờ vậy kết quả các mô hình khuyến nông dễ lan tỏa rộng.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện chia sẻ, Hoài Ân phấn đấu đến hết năm 2023 xây dựng khoảng 100 ha bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP, khoảng 50 ha dừa xiêm đạt chứng nhận hữu cơ. Cùng với nguồn lực đầu tư của huyện, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh trong việc triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ, đào tạo và tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp huyện và cả bà con nông dân.
Thực tế các mô hình khuyến nông tập trung ở nhóm cây ăn trái tại huyện Hoài Ân cho thấy đều phù hợp với định hướng của tỉnh, huyện và ngày càng lan tỏa rộng như mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, dừa hữu cơ, bưởi hữu cơ. Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình là điểm để các hộ dân trong vùng tham quan học tập và nhân rộng. Xuất phát từ thực tế nhu cầu của địa phương, của bà con nông dân, Trung tâm tiếp tục phối hợp để triển khai các mô hình khuyến nông phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các mô hình khuyến nông trong trồng trọt được xây dựng gắn với chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
THU DỊU