Phát huy vai trò người có uy tín trong phòng, chống tảo hôn
Thời gian qua, lực lượng người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền và hội, đoàn thể tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân, thanh thiếu niên chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, thay đổi nếp nghĩ, từng bước giảm thiểu nạn tảo hôn.
Năm 2020 - 2021, xã An Trung (huyện An Lão) có nhiều trường hợp tảo hôn, tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, vấn nạn này từng bước được đẩy lùi và địa phương không để xảy ra trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng người có uy tín.
Ông Đinh Ngọc Ước, dân tộc H’re, người có uy tín ở thôn 1, xã An Trung cho hay, vấn nạn tảo hôn tồn tại dai dẳng trước tiên là do nhiều phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho con. Cùng với đó là nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi được bầu làm người có uy tín, ông luôn coi tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Đinh Ngọc Ước (người có uy tín thôn 1, xã An Trung) và cán bộ Phòng Dân tộc huyện An Lão đến nhà người dân tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: T.C
“Ngoài việc vận động người dân, tôi thường phối hợp với cán bộ thôn, xã, kiểm tra việc đăng ký kết hôn, mạnh tay xử lý theo hương ước, lập biên bản các cặp đôi chưa đủ tuổi chuẩn bị cưới và báo cáo với chính quyền để can thiệp kịp thời. Nhờ vậy, tại thôn 1 không còn nạn tảo hôn, người lớn cũng không còn ép cưới, học sinh cũng không muốn lập gia đình sớm”, ông Ước nói.
Theo Chủ tịch UBND xã An Trung Đinh Văn Lanh, năm 2020 - 2021, trên địa bàn xã có 6 vụ tảo hôn, nhưng từ năm 2022 đến nay tình trạng này đã không còn. Để đẩy lùi hủ tục này, Đảng bộ xã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Mặt khác, cán bộ xã, thôn, người có uy tín thường đến từng hộ dân để phân tích cho bà con hiểu về hệ lụy của tảo hôn, giải thích để họ hiểu kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật.
Theo ghi nhận, năm 2022, trên địa bàn huyện Vân Canh xảy ra 19 trường hợp tảo hôn; còn trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 11 vụ. Ông Đinh Văn Thải (SN 1954, dân tộc Bana, người có uy tín làng Hà Lũy, xã Canh Thuận) chia sẻ: “Trong các cuộc họp tại nhà văn hóa, tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng cách nêu những tác hại, hệ lụy. Thoạt đầu, bà con không nghe, bỏ về hoặc không quan tâm; song bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, tôi vẫn kiên trì vận động, dần dần người dân cũng quan tâm và làm theo”.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh Sô Lan Tài đánh giá, người có uy tín là một trong những lực lượng “mũi nhọn” ở cơ sở trong công tác tuyên truyền nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp tảo hôn; lồng ghép những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào nội dung cuộc hội họp, sinh hoạt để người dân làm quen, hiểu và tuân thủ.
Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 37 trường hợp tảo hôn; số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm có xu hướng giảm dần.
“Người có uy tín là lực lượng gần dân, sát dân nhất trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ nạn tảo hôn. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò trong công tác phòng, chống tảo hôn”, ông Lung cho biết.
TRIỀU CHÂU