Tạo thuận lợi nhất cho người dân khi thu hồi đất, tái định cư
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 21.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham gia thảo luận vào chiều 21.6, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ sự quan tâm đến đối tượng đất sử dụng đa mục đích được quy định tại Điều 216.
"Chúng ta đang đẩy nhanh phát triển đường cao tốc, đến năm 2030 dự kiến có khoảng 5.000 km. Hành lang an toàn của đường cao tốc có chiều ngang 17 - 20m mỗi bên, như vậy phần diện tích này sẽ là khoảng 20.000 ha. Nếu trồng cây xanh trên diện tích này chúng ta sẽ có hơn 30 triệu cây xanh các loại, có tác dụng tương đương 20.000 ha rừng và ngày càng nhiều hơn khi chúng ta tiếp tục phát triển đường cao tốc trong tương lai", ĐB Cảnh phân tích.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đất hành lang an toàn đường cao tốc cũng là đất đa mục đích, vừa là đất giao thông, vừa là đất rừng trồng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Cảnh, việc trồng cây sẽ giúp chống chói nắng cho lái xe vào ban ngày, đảm bảo ATGT. Hiện nay, hành lang an toàn đường cao tốc cũng đang được sử dụng đa mục đích trên nhiều diện tích khi Nhà nước chưa thu hồi (gồm đất thổ cư, đất rừng, đất nông nghiệp…). Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị đất hành lang an toàn đường cao tốc cũng là đất đa mục đích, vừa là đất giao thông, vừa là đất rừng trồng. Như vậy, có thể bù trừ phần đất hành lang an toàn sẽ trồng cây lâu năm với phần đất rừng cần thu hồi để làm đường cao tốc theo tỷ lệ hợp lý, giúp giảm thủ tục chuyển đổi đất rừng, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
ĐB Cảnh cũng cho rằng, đất cho hoạt động TDTT đang rất thiếu, vì vậy cần bổ sung quy định đất đa mục đích có loại đất thương mại, dịch vụ kết hợp TDTT. Phần diện tích đất dành cho TDTT trên đất thương mại, dịch vụ được hưởng ưu đãi như loại đất xây dựng các công trình TDTT. Có chính sách như vậy sẽ khuyến khích DN tham gia phát triển phong trào TDTT.
Nội dung khác được ĐB Cảnh quan tâm là quy định về bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ được quy định tại chương VII. ĐB Cảnh đồng ý với các quy định của dự thảo về hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, theo ĐB Cảnh, mỗi hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh, nhu cầu riêng về đời sống và việc làm, Nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. “Tôi đề nghị các chính sách có thể quy ra tiền để người dân thấy mình được hưởng lợi như người khác, đảm bảo công bằng. Đối với chính sách đào tạo nghề cho người chưa có việc làm, nên hạn chế chi tiền trực tiếp; cần tạo điều kiện để người dân được học nghề phù hợp với khả năng của họ”, ĐB Cảnh nói.
Bên cạnh đó, trước khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Nhà nước cần có danh sách các nghề xã hội đang cần, cũng như cho phép người dân được đề xuất thêm nghề họ mong muốn. Khi học xong sẽ được thanh toán học phí, Nhà nước tạo điều kiện để họ gia nhập thị trường lao động. Như vậy sẽ đảm bảo người dân ổn định cuộc sống khi đến nơi ở mới. Ngoài việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật có đường giao thông kết nối với khu vực lân cận, Nhà nước cần ưu tiên bố trí các tuyến của phương tiện giao thông công cộng trong khu vực đến khu tái định cư nhằm giúp người dân đi lại thuận lợi và tiết kiệm.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, ĐB Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đã tranh luận với ĐB Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội). Cụ thể, ĐB Nguyễn Trúc Anh đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất để cải tạo lại chung cư cũ. ĐB Ba không đồng ý với đề xuất này; bởi khoản 3 Điều 79 Dự thảo quy định về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH, vì lợi ích quốc gia, công cộng đã bao gồm tất cả các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
ĐB Đồng Ngọc Ba tham gia phiên thảo luận chiều 21.6. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Xung quanh vấn đề này, ĐB Ba cho rằng, giải trình của Bộ TN&MT vừa không phù hợp với thực tiễn, vừa không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật, có nguy cơ xâm phạm quyền sử dụng đất ở của người dân khi cải tạo nhà chung cư. "Nếu chúng ta đặt ra vấn đề thu hồi đất trong trường hợp cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bao gồm cả trường hợp nhà chung cư được tái định cư tại chỗ, về thực tiễn có thể nói là "đổ thêm dầu vào lửa" khi cải tạo chung cư cũ", ĐB Ba thẳng thắn nói.
Phân tích sâu hơn, ĐB Ba thông tin: Hiện có gần 3.000 khối nhà chung cư cũ xây dựng trước năm 1994 với hơn 100.000 người sinh sống. Theo quy định hiện hành, chủ sở hữu căn hộ chung cư có quyền sử dụng đất đối với đất chung khi họ có quyền sở hữu căn hộ; quyền sử dụng đất chung đó không thể phân chia và được tính theo tỷ lệ diện tích của căn hộ chung cư trên tổng diện tích sàn xây dựng các căn hộ.
Nguồn: BTV
"Như vậy, kể cả khi cải tạo lại chung cư hay chung cư có nguy cơ sụp đổ, chúng ta phá dỡ thì quyền sử dụng đất của người dân vẫn còn. Vấn đề ở đây không phải là quy định về việc thu hồi đất, mà phải quy định các biện pháp để di dời được người dân, có thể lựa chọn được chủ đầu tư cũng như trình tự, thủ tục thuận lợi để cải tạo lại nhà chung cư", ĐB Ba khẳng định.
MAI LÂM